Nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn

Chủ nhật - 10/03/2019 22:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nâng cao đời sống người dân, cải thiện môi trường sống, đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn là những tiêu chí cốt lõi mà các địa phương cần tập trung thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian tới.​

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2019 diễn ra tại Đồng Nai ngày 8-3.

Đưa nông thôn mới về đích sớm

Xây dựng NTM là một trong những chương trình hành động rất quan trọng để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là chương trình tổng hợp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng phục vụ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu cải thiện nhanh hơn về đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Năm 2010, cả nước chính thức bắt tay xây dựng NTM. Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng chương trình NTM với bộ tiêu chí gồm 19 nội dung cụ thể thực hiện trên toàn quốc, với gần 9.000 xã, gần 700 huyện của 63 tỉnh, thành.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, trong giai đoạn đầu xây dựng NTM (2010 - 2015), phong trào gặp nhiều khó khăn và bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt là khoảng cách giữa các vùng miền còn chênh lệch lớn. Ngoài ra, do chạy theo hình thức nên nhiều địa phương chủ yếu chỉ tập trung cho cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn mà “bỏ quên” các tiêu chí còn lại.

 
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp.

Ngoài ra, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho xây dựng NTM trong giai đoạn này cũng hạn chế khiến cho phong trào xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2015, cả nước chỉ có 17,5% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 20% tổng số xã đạt chuẩn.

Cùng chung nhận định, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, sự chênh lệch vùng miền, nguồn lực hạn chế và sự phân bổ nguồn lực bất hợp lý khiến phong trào xây dựng NTM trong 5 năm đầu còn nhiều khiếm khuyết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng số xã đạt chuẩn nhiều còn các vùng khác rất ít. Việc phân bổ nguồn lực không đồng đều, miền núi cũng như đồng bằng nên rất bất cập. “Những nơi không có điều kiện phát triển kinh tế thì nguồn huy động ít, khả năng xã hội hóa càng ít. Cộng với đó nguồn  lực phân bổ ít nên tạo ra khoảng chênh lệch vùng miền, càng làm NTM thì khoảng cách miền ngược miền xuôi càng lớn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Từ thực trạng trên, trong giai đoạn 2 (2016 - 2020), chương trình đã có những điều chỉnh để phong trào xây dựng NTM đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tính riêng trong giai đoạn 2, ngân sách Nhà nước đã dành 193.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, riêng Trung ương bố trí 63.000 tỷ đồng, gấp 4 lần giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực cũng được điều chỉnh theo hướng ưu tiên cho các vùng kinh tế khó khăn, miền núi gấp 4 - 5 lần so với mức bình quân của cả nước để tạo ra bức tranh phát triển bền vững trong xây dựng NTM. Nhiều nội dung mới cũng được đưa vào giai đoạn này, như: Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với khu định cư kiểu mẫu; phát triển du lịch nông thôn…

Những điều chỉnh kịp thời đã thúc đẩy phong trào xây dựng NTM trong 3 năm từ 2016 đến 2018 đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, cả nước đã có 4.144 xã (46,84%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Không chỉ đạt về số lượng, chất lượng phong trào xây dựng NTM cũng được nâng cao. Các mô hình sản xuất được triển khai hiệu quả tới từng địa phương, qua đó nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cả nước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gần 8 triệu đồng/người/năm so với thời điểm cuối năm 2015. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng lớn và phổ biến trong xây dựng cơ bản giai đoạn trước cũng được xử lý hoàn thành.

Từ những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tranh thủ những nhân tố tích cực nhất để đẩy nhanh hơn phong trào xây dựng NTM. “Những mục tiêu được đặt ra cho năm 2020 bây giờ phải đẩy lên sớm và hoàn thành trong năm 2019. Trong đó có mục tiêu đạt 50% tổng số xã trong cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Xây dựng liên kết để nâng cao đời sống nông dân

Hiện nay, Đồng Nai là 1 trong 3 địa phương đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, địa phương cũng xác định, NTM là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, Đồng Nai hiện đang tập trung cho các địa phương nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Đồng thời, địa phương cũng xác định, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất của xây dựng NTM. Chính vì vậy, phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản đang được Đồng Nai đặc biệt ưu tiên.


Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường thăm gian hàng triển lãm nông sản Đồng Nai bên lề hội nghị.

Tương tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho hay, địa phương đang hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh, tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu lớn (big data), truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, các tiêu chí môi trường, trồng cây gây rừng, phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế… cũng được tỉnh Lâm Đồng tập trung để hướng tới phát triển mô hình NTM kiểu mẫu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện chương trình xây dựng NTM đang đạt những kết quả khả quan, tuy nhiên, để “nâng chất” cho phong trào, các địa phương cần tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi. Theo đó, chỉ tiêu số một vẫn là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết. “Phải hình thành được liên kết trên tất cả 3 trục sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và trục sản phẩm cấp OCOP. Tất cả đều phải coi liên kết là chìa khóa để chúng ta thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chìa khóa để chúng ta có thể đưa nông sản Việt Nam hội nhập và đây mới là cơ sở để cải thiện đời sống nông dân. Bản chất của NTM là thay đổi đời sống nông dân mà muốn vậy phải liên kết”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Cũng nằm trong nhóm tiêu chí cốt lõi cần tập trung nâng cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề môi trường, văn hóa xã hội, an ninh trật tự và củng cố chính quyền địa phương. “Một số địa phương đã đạt chuẩn NTM nhưng môi trường sống còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu của nhân dân và yêu cầu phát triển bền vững. Do đó, sắp tới các địa phương này vẫn phải tập trung để nâng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Cuối năm 2019 sẽ có thêm 3 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện nay có 3 địa phương gồm Đồng Nai, Nam Định và TP. Đà Nẵng đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đến cuối năm nay, khả năng sẽ có thêm 3 địa phương cấp tỉnh hoàn thành mục tiêu có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây