Tạo động lực phát triển mới

Thứ ba - 15/02/2022 10:11
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Năm 2022, nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới để Đồng Nai tăng tốc phát triển.

ta1-15222.jpg?t=1753174688
Những km đầu tiên của dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc đã được thảm nhựa bê tông

Nhiều dự án hoàn thành xây dựng

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Được khởi công vào tháng 9-2020, dự án đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 99km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 51,3km.

Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu phục vụ thi công, về cơ bản dự án vẫn đang đảm bảo tiến độ đề ra. Một tuyến cao tốc hiện đại, “mở thông” cửa ngõ phía Đông của tỉnh đang dần được “thành hình”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 3, gói thầu có khối lượng xây lắp lớn nhất của dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh cũng như thiếu nguồn vật liệu thi công, nhà thầu đã xoay sở, thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ. Đến nay, đã có 3km đầu tiên của gói thầu được thảm bê tông nhựa lớp đầu tiên.

Tương tự, tại gói thầu số 4, các nhà thầu cũng đã huy động tổng lực về nguồn nhân lực cũng như máy móc phục vụ quá trình thi công. Hiện nay, khi khu vực Đông Nam bộ bắt đầu vào mùa khô, thời tiết rất lý tưởng cho việc làm đường nên các nhà thầu cũng đã tăng cường thêm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ. Liên doanh các nhà thầu cũng sẽ triển khai thảm bê tông nhựa lớp đầu tiên đối với gói thầu này.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, hiện nay, tổng thể toàn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, theo tính toán và quyết tâm của các nhà thầu thì dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2022. Để bù đắp tiến độ bị chậm của dự án, một số nhà thầu đã đăng ký tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán 2022.

Bên cạnh dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, trong năm 2022 cũng sẽ có 2 dự án giao thông quan trọng của tỉnh “về đích” gồm dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt và dự án đường Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1).

Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt và đường Hương lộ 2 là 2 dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai trên địa bàn TP.Biên Hòa. Cuối năm 2020, cả 2 dự án này đồng loạt được khởi công xây dựng. Thời gian qua, do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả 2 dự án này đều bị chậm tiến độ. Để bù đắp tiến độ, ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ, các nhà thầu cũng đã tập trung huy động nguồn lực, tăng ca thi công trên các công trường.

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, theo kế hoạch đề ra, trong năm 2022, cả 2 dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

ta-15222.jpg?t=1753174688
                                     Thi công xây dựng đường Hương lộ 2.​

Tạo sức bật phát triển

Lâu nay, việc lưu thông bằng đường bộ theo hướng Bắc - Nam và ngược lại đoạn qua địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào tuyến quốc lộ 1. Với lưu lượng phương tiện ngày càng tăng cao, tuyến quốc lộ 1 đã trở nên quá tải từ lâu. Đây cũng chính là một trong những điểm nghẽn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Chính vì vậy, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây hoàn thành sẽ tạo cú hích phát triển cho các tỉnh và khu vực dự án đi qua trong đó có Đồng Nai. Dự án này còn đóng vai trò kết nối, phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang được đầu tư như tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Dâu Giây - Liên Khương và Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng như từ Bắc vào Nam.

Tượng tự như tuyến quốc lộ 1, hiện nay tuyến quốc lộ 1K, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối Đồng Nai với TP.HCM và quốc lộ 51 kết nối “tam giác” phát triển TP.HCM; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, đặc biệt là tuyến quốc lộ 51. Với thực tế đó, việc hoàn thành xây dựng dự án cầu Vàm Cái Sứt và đường Hương lộ 2 được kỳ vọng sẽ từng bước giúp “khơi thông” điểm nghẽn về kết nối giao thông cho Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.

Theo quy hoạch, ngoài dự án cầu Vàm Cái Sứt và đường hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) đang được triển khai xây dựng, đoạn 2 của đường Hương lộ 2 cũng sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Khi tất cả các dự án này hoàn thành sẽ hình thành đồng bộ tuyến đường Hương lộ 2.

Chủ tỉnh UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, Hương lộ 2 khi hoàn thành xây dựng toàn bộ sẽ là tuyến đường kết nối trung tâm TP.Biên Hòa với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Do đó, các phương tiện giao thông có thể lưu thông theo tuyến đường này để đi từ Đồng Nai đến TP.HCM, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông. Đồng thời, tuyến kết nối mới này cũng sẽ góp phần giảm tải lưu lượng phương tiên giao thông trên quốc lộ 51.

                                                                                                Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây