Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với những mô hình sản xuất khép kín, các phế phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, vừa tăng giá trị sản phẩm, vừa hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường là xu hướng mới đang được quan tâm.
Đồng Nai đã có nhiều doanh nghiệp (DN), HTX đi tiên phong ứng dụng hiệu quả mô hình này mang lại giá trị cao trong sản xuất.
Nhóm các nhà khoa học là giảng viên của Trường đại học Quốc tế thăm quan vườn ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Sản xuất xanh
HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) là đơn vị đi tiên phong tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình sản xuất bẹ chuối khô xuất khẩu. Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX thu về hàng chục triệu đồng/năm. Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản… Sơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường được thị trường thế giới ưa chuộng nên tiềm năng còn rất lớn. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình cho biết: “HTX đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm chế biến hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này. Đây là bí quyết giúp HTX vẫn ổn định và phát triển sản xuất trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19”.
Từ nhiều năm qua, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) đã đưa ra thị trường những sản phẩm nổi tiếng với nguyên liệu chế biến từ các phế phẩm nông nghiệp. Sản phẩm độc đáo nhất phải kể đến là đặc sản rượu vang ca cao được ủ từ thịt của trái ca cao trước đó vốn bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất. Vỏ trái ca cao cũng được doanh nghiệp đưa vào xay nhỏ, ủ thành phân bón hữu cơ tái sử dụng lại cho các vườn cây ca cao. Nhờ đó, doanh nghiệp giảm được rất lớn lượng rác thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.
Trong năm 2021, doanh nghiệp này đã hợp tác với nhóm nhà khoa học là giảng viên của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) thực hiện các đề tài nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm, nước uống có giá trị kinh tế cao từ các phế phẩm của trái ca cao. Dòng sản phẩm mới đang được đầu tư gồm: sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao… Điểm nổi bật của các sản phẩm này là sử dụng các nguyên liệu là những phế phẩm như vỏ trái, thịt trái ca cao để chế biến ra những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe người dùng.
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ, Chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học nằm trong mục tiêu chung của doanh nghiệp là tập trung đầu tư chế biến sâu, không ngừng đa dạng sản phẩm, thực phẩm chế biến từ trái ca cao. Trong đó, các loại thực phẩm có giá trị cao được chế biến từ những nguyên liệu vốn là phế phẩm trong quá trình sản xuất vừa góp phần tạo thêm giá trị gia tăng cho cây ca cao vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Xu hướng của tương lai
Mô hình điểm sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi ở huyện nông thôn mới Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Trong rất nhiều chương trình hội nghị, hội thảo về nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan luôn nhấn mạnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ là mở rộng ngành hàng này hay thu hẹp ngành hàng kia, mà phải tích hợp các giá trị, vừa mang giá trị địa phương, vừa mang giá trị toàn cầu; chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị.
Sự định hướng trên đã được nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng vào thực tế một cách hiệu quả. Nhưng để những mô hình trên tiếp tục được nhân rộng cần sự đồng bộ về chính sách hỗ trợ để tạo được hệ sinh thái cho nông nghiệp tuần hoàn phát triển.
Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu riêng vào các hệ thống siêu thị lớn ở Nhật Bản. Để làm được điều này, từ cả chục năm trước, doanh nghiệp này đầu tư những trang trại trồng hàng trăm ha chuối kết hợp nuôi hàng ngàn con bò theo quy trình khép kín với phân bón được xử lý thành phân bón hữu cơ cho cây trồng; thân cây chuối, trái chuối dạt sau thu hoạch được chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Mọi phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp đều được tận dụng nên không có chất thải ô nhiễm môi trường.
Nói về kinh tế tuần hoàn gắn với việc phục hồi sản xuất trong tình hình mới, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An được tôn xưng là “vua chuối”, “vua tôm”, “vua bò” của Việt Nam chia sẻ, nền nông nghiệp sẽ rất khó để tái đầu tư nhanh vì mọi chi phí đầu vào tăng quá cao. Sau mùa dịch, đa số người dân vẫn còn "mắc kẹt" vốn thế chấp trong ngân hàng. Dịch cũng khiến đứt gãy việc huy động vốn của nông dân muốn tái đầu tư. Nhà nước cần triển khai hỗ trợ về nguồn vốn theo một cách mới thì mới thúc đẩy được việc phục hồi sản xuất. Bộ NN-PTNT cũng phải nhanh chóng tiến tới việc mở rộng, đào tạo nâng cao chất lượng, để HTX có vai trò quan trọng cũng như khả năng tổ chức tốt vùng trồng, chứng nhận các tiêu chuẩn, huấn luyện đào tạo thành viên để truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ... để nông sản đạt chuẩn xuất khẩu, có đầu ra bền vững.
Ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam là một trong những thành viên tham gia thực hiện “Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu” với nhiều mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp đầy ấn trên địa bàn tỉnh. Theo ông Công, hiện người nông dân chịu quá nhiều áp lực, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê đất, tiền nhân công và quá nhiều rủi ro về sâu bệnh, thiên tai... “Chúng tôi mong muốn là có cách nào đó giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào cho họ. Ở đây, những tác động đầu tiên của chúng tôi là thay thế phân bón, thuốc trừ sâu hóa học bằng phân hữu cơ, thuốc sinh học nông dân tự làm với chi phí rẻ”. Ngoài ra, nông dân nên có góc nhìn đưa nông sản thế mạnh của địa phương vào chê biến, tạo ra thu nhập gấp 2 lần, thậm chí gấp nhiều lần. Và trong thực tế triển khai, nhiều nông dân, HTX đã tận dụng nguồn nguyên liệu vốn là phế phẩm, rác thải trong sản xuất tại địa phương như: mứt vỏ bưởi, trà vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, dưỡng tóc tinh dầu bưởi, trà búp ổi tẩm mật ong, trà hoa dâm bụt...
Xu hướng này cũng đang thu hút được giới trẻ quan tâm. TS.Lê Ngọc Liễu, giảng viên ngành công nghệ thực phẩm của trường Đại học Quốc tế từng là cô gái Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng Green Talents dành cho các tài năng trẻ của Bộ Giáo dục và nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức với đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo. Ngoài công tác giảng dạy, cô gái trẻ này đang tập trung nghiên cứu tận dụng các nguồn phế phẩm của ngành nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm bảo vệ môi trường với giá trị gia tăng cao.
Chia sẻ nguyên nhân chọn gắn bó với hướng nghiên cứu này, TS.Lê Ngọc Liễu so sánh, ngành nông nghiệp tạo ra lượng phế phẩm rất lớn, có thể lên đến 70-80% tổng sản lượng. Những phế phẩm nếu bỏ đi có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường, trong khi bản thân nó lại chứa rất nhiều hợp chất có giá trị. Một số dự án nghiên cứu gần đây của cô là hợp tác với Trường University of Liege - Gembloux Argo-Bio Tech (Bỉ) tận dụng nguồn phế phẩm từ thanh long. Các nhánh thanh long già chặt bỏ đi được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học, trong sản xuất bao bì sinh học. Cô còn tham gia nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) triển khai nhiều đề tài nghiên cứu chế biến thực phẩm, sản phẩm từ phế phẩm của trái ca cao…
Theo nữ khoa học gia này, hiện bao bì nhựa đang là vấn đề về môi trường bức bách không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới vì nó không phân hủy được mà tích lũy lại trong lòng đất, trong lòng đại dương qua hàng trăm, hàng ngàn năm. Do đó, khi phát triển được bao bì sinh học có thể giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây cũng là xu hướng trong tương lai vì người tiêu dùng hiện nay cũng tăng nhận thức về môi trường, góp phần định hướng các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bình Nguyên
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới. Đây chính là minh chứng về việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới để phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: Kinh tế – xã hội – môi trường.