Hẹn mùa lễ hội năm sau

Thứ sáu - 11/02/2022 15:27
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, các lễ hội đầu xuân ở Đồng Nai năm 2022 cũng tạm ngưng tổ chức phần hội để phòng, chống dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp.
Việc chọn cách ứng xử văn minh với các lễ hội trong tình hình khó khăn do dịch bệnh cũng chính là cách để mỗi người dân thể hiện văn hóa, thái độ, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.
cc8d900f6c1ba045f90a.jpg
Người dân đo thân nhiệt trước khi vào tham quan tại chùa Ông
(P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)
Dừng các hoạt động tập trung đông người
Với tinh thần chấp hành nghiêm túc các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, ở Đồng Nai nhiều địa phương đã xác định không tổ chức nhiều lễ hội đầu xuân. Các điểm di tích, đình, chùa, các sơ sở tự viện tuân thủ và đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, hạn chế số lượng người đến hành hương. Các buổi lễ lớn chủ yếu thực hiện với các tăng, ni, phật tử, hạn chế tập trung đông người.
Nếu như những năm trước, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng hàng năm tại P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa sẽ diễn ra lễ hội chùa Ông (Thất phủ Cổ miếu) thì năm nay, lễ hội này lại tiếp tục tạm dừng tổ chức phần hội. Đặc biệt, để phòng, chống dịch, từ đêm Giao thừa 29 Tết, chùa Ông đã đóng cửa đến ngày mùng 10, tạm ngưng phục vụ các tầng lớp nhân dân đến tham quan, hành hương.
Trưởng ban trị sự Thất phủ Cổ miếu Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết: “Đây là năm thứ 3 chùa Ông tạm dừng tổ chức phần hội trong lễ hội chùa Ông thường niên để chung tay phòng, chống dịch. Mặc dù không tổ chức hội nhưng các nghi thức, nghi lễ truyền thống được nhà chùa duy trì và thực hiện trong giới hạn cho phép số lượng người tham gia. Từ ngày 10 tháng Giêng, nhà chùa mở cửa đón khách thập phương, người dân khi đến chùa bắt buộc phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. Hiện tại, công tác phòng, chống dịch tại chùa Ông đảm bảo an toàn”.
Vài năm trở lại đây, lễ hội Lồng tồng (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng) của đồng bào Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn đã được khôi phục, tổ chức vào ngày mùng 10 Tết, với phần lễ và phần hội. Đồng bào các dân tộc đến lễ hội với mong ước về một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời giao lưu, vui chơi với những trò chơi dân gian đặc trưng như: Đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy, hát đối đáp... Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, năm nay lễ hội Lồng tồng ở xã Thanh Sơn cũng không được tổ chức.
Ngoài ra, một số hội thơ, đêm thơ Nguyên tiêu cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được tổ chức quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Riêng đối với những lễ hội như: Sayangva, Sayangbri của đồng bào Chơ ro; Yangcoi, Yangbơnơm của đồng bào Mạ… tùy vào tình hình thực tế và thời điểm, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có phương án tạm hoãn hoặc tổ chức lễ hội phù hợp.
Thực hiện nghiêm các công tác phòng, chống dịch
Việc tạm dừng các lễ hội hoặc duy trì phần lễ, không tổ chức phần hội để chống dịch cũng là cơ hội để ngành văn hóa rà soát và chấn chỉnh lễ hội lớn nhỏ trên cả nước nói chung và Đồng Nai hiện nay nói riêng. Việc đang lưu giữ và duy trì hoạt động của trên 350 lễ hội các dân tộc hàng năm với nhiều loại hình: Truyền thống, ngành nghề, văn hóa... cho thấy Đồng Nai có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc.
Bà Võ Thị Huỳnh Mai, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa cho biết: “Hiện TP.Biên Hòa đã chỉ đạo và hướng dẫn cho các phường, xã, các cơ sở di tích, tín ngưỡng, cơ sở thờ tự thực hiện nghiêm các công tác phòng chống dịch. Đội kiểm tra liên ngành 814 của TP.Biên Hòa cũng tiến hành kiểm tra công tác bài trừ mê tín dị đoan, phát hiện và xử lý theo quy định những vi phạm nếu có. Qua đó, đưa hoạt động tham quan ở các di tích, hoạt động lễ hội vào nề nếp, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội”.
Trước đó, Bộ VH-TTDL đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với hoạt động lễ hội, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo đúng quy định. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch Covid-19 của từng địa phương.
Thanh Thanh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây