Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trong ngành cao su vẫn đạt kết quả tốt. Nhu cầu thị trường gia tăng cùng với đó là giá cả xuất hàng ra thế giới cũng đạt mức cao nhất trong 10 năm. Dự báo tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cao su trong năm 2022 sẽ tiếp tục có những thuận lợi.
Chế biến mủ cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHHMTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai
Giá trị xuất khẩu cao su tăng cao nhất sau 10 năm
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vừa tổng kết kế hoạch kinh doanh của năm 2021, số liệu tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt trên 28,5 ngàn tỷ đồng, vượt xấp xỉ 6% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.100 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước trên 5,1 ngàn tỷ đồng, vượt trên 10% kế hoạch. Đặc biệt, xuất khẩu cao su trong năm 2021 ghi nhận một cột mốc rất quan trọng là quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Cụ thể, năm 2011, do giá cao su xuất khẩu tăng cao kỷ lục, xuất khẩu cao su đã lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD khi đạt hơn 3,2 tỷ USD. Sau đúng 10 năm, nhờ giá cao su liên tục tăng trở lại nên xuất khẩu đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,2% so với năm 2020. Là đơn vị lớn nhất của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, trong năm 2021, Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai cũng đã hoàn thành kế hoạch đặt ra của mình khai thác hơn 25,4 ngàn tấn mủ trước 11 ngày. Kết thúc năm, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã khai thác được 26,6 ngàn tấn, vượt kế hoạch 4,5%, doanh thu đạt 2.127 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cao su là 1.570 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hơn 420 tỷ đồng. Để đạt được kết quả ấy, Tổng công ty đã phát động 2 phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng, với tổng tiền khen thưởng gần 3 tỷ đồng. Hai phong trào này thực hiện song song và được người lao động hưởng ứng tích cực khắp vườn cây, nhà máy.
Năm 2021 cũng ghi nhận giá mủ cao su tăng bình quân khoảng 10 triệu đồng/tấn so với năm 2020. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Tổng công ty cao su Đồng Nai nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Triển vọng tốt trong năm 2022
Theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Việc nới lỏng các hạn chế như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Đối với Công ty TNHHMTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai, để tiếp tục đạt được những kết quả khả quan hơn, đơn vị kiên định thực hiện chiến lược phát triển đơn vị trên 3 trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường. Đồng thời, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tăng cường sử dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây. Những năm qua, việc sử dụng cơ giới hóa được coi là yếu tố then chốt, là “chìa khóa” quyết định năng suất, chất lượng vườn cây, tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, đối mặt với tình trạng ngày càng khan hiếm nguồn lao động cho ngành thì cơ giới hóa sản xuất cũng chính là giải pháp tối ưu mà doanh nghiệp đang thực hiện. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các trường đại học để đào tạo, tuyển dụng nhân sự chất lượng phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài của mình.
Văn Gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập