​Tăng cường các kênh đưa hàng Việt về vùng xa

Thứ sáu - 18/02/2022 10:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong thời gian qua, dù chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhiều hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại bị gián đoạn, bị hoãn hoặc hủy, tuy nhiên các địa phương, sở ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về vùng xa như: triển khai các chuyến hàng bình ổn giá phục vụ Tết về các xã vùng xa, xây dựng các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam…

dc.t-18222.jpg?t=1753174688
Một chuyến hàng bình ổn giá phục vụ bà con ở vùng xa trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 do HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm triển khai trên địa bàn H.Tân Phú.

Theo Sở Công thương, vào dịp Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 73 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có 16 điểm bán hàng bình ổn giá ở các địa phương do 9 đơn vị HTX vay vốn triển khai với tổng số tiền cho vay hơn 5,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt cho 7 HTX tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa với tổng số tiền hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhân công và bao bì hơn 457 triệu đồng để triển khai 184 chuyến hàng đến những địa phương vùng xa của các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Trảng Bom. Thời gian tổ chức các chuyến hàng lưu động từ ngày 10-12-2021 đến 27-1-2022 (từ ngày 7-11 đến 24-12 âm lịch). Đây là những hoạt động kết nối hàng Việt, góp phần giúp người dân ở các địa phương vùng xa có thể mua sắm các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm Việt, hàng hóa Tết với giá bình ổn.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Hòa Phát (H.Trảng Bom) chia sẻ, vào dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, HTX đã triển khai 16 chuyến hàng lưu động về 8 xã trên địa bàn H.Trảng Bom như: Sông Thao, An Viễn, Sông Trầu, Cây Gáo, Thanh Bình… Ngoài ra, HTX còn triển khai 3 điểm bán hàng bình ổn giá cố định ở xã Tây Hòa, trong đó có 2 điểm ở chợ Lộc Hòa. Nguồn hàng hóa được chuẩn bị khá dồi dào, giá cả nhiều mặt hàng khá ổn định, riêng mặt hàng dầu ăn giá tăng cao hơn.

Bên cạnh các điểm, chuyến hàng bình ổn giá, trong thời gian qua, Sở Công thương còn khai trương và đưa vào hoạt động thêm 5 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các xã, phường: Trà Cổ (H.Tân Phú), Thanh Sơn (H.Định Quán), Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), Bàu Sen (TP.Long Khánh) và Hố Nai (TP.Biên Hòa).

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh, trong đó có 26 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh. Các cửa hàng khi được chọn làm điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam sẽ được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày, biển hiệu Tự hào hàng Việt Nam; chi phí cải tạo tu sửa điểm bán hàng... theo quy chuẩn của Bộ Công thương.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá các mô hình cung ứng hàng Việt cho người dân tại khu vực nông thôn, các địa phương vùng sâu, vùng xa... cần được chủ động triển khai một cách phù hợp, hiệu quả.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2022, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương trong tỉnh là tập trung triển khai Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022 và sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đồng thời, linh hoạt các hoạt động kết nối hàng Việt, hàng hóa địa phương, kích cầu tiêu dùng trong nước phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19, trong đó đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại trên nền tảng số…  

                                                                                              Phan Anh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây