Người thầy tâm huyết với văn hóa Đồng Nai

Thứ ba - 15/02/2022 08:19
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Vốn xuất thân là người lính của Lữ đoàn 297 (Quân khu 2) nhưng cái duyên và cũng là “định mệnh” đã đưa TS Trương Đức Cường - người con của mảnh đất Sa Pa đến với văn hóa và nghệ thuật. Hiện, ông đảm nhiệm vai trò là “đầu tàu” của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tâm huyết với nhiều hoạt động giáo dục và dự án văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.

14c5716c6044ac1af555.jpg?t=1753174688
TS Trương Đức Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trao giấy khen cho sinh viên chuyên ngành gốm điêu khắc 

có thành tích xuất sắc năm học 2021-2022 

Kết nối doanh nghiệp với mỹ thuật ứng dụng

Vừa hoạt động nghệ thuật ở phía Bắc, vừa tham gia giảng dạy ở các trường đại học nghệ thuật lớn khu vực phía Nam, TS Nguyễn Đức Cường nhận thấy phương Nam là vùng đất “tiềm năng” để những người tâm huyết và yêu nghệ thuật thỏa sức sáng tạo và cống hiến. Năm 2018, ông vào TP.HCM hoạt động nghệ thuật, sau đó được Bộ VH-TTDL điều động, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, rồi đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng nhà trường.

“Xuất thân là nghệ sĩ, biên đạo múa nhưng khi đến Đồng Nai, công tác trong môi trường có các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng với tôi không có sự khác biệt mà có nhiều điểm tương đồng với nhau. Được sống, làm việc trong môi trường nghệ thuật đó chính là niềm đam mê, giúp tôi trải nghiệm, sáng tạo và lao động nghiêm túc với nghề” - TS Trương Đức Cường chia sẻ.

Từ khi về tiếp quản Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, TS Trương Đức Cường cùng với tập thể sư phạm nhà trường đã kế thừa và phát huy những thế mạnh, khắc phục hạn chế để đào tạo các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Từ sự thay đổi đó mà lần đầu tiên sau gần 10 năm, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã tuyển sinh đạt 98,6%, chất lượng đào tạo được nâng lên, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, học sinh, sinh viên các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng ra trường đều có việc làm ổn định.

Từ năm 2020, TS Trương Đức Cường đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp trong nhà trường. Theo đó, ông đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, giao lưu, ký kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có nơi thực tập, có nơi trải nghiệm và có nơi làm việc sau khi ra trường. TS Trương Đức Cường cho hay: “Kết nối doanh nghiệp là việc làm quan trọng, được chúng tôi chú trọng và thực hiện 2 năm/lần. Bởi kết nối nhiều doanh nghiệp thì sự phát triển của nhà trường ngày càng có cơ hội để mở rộng. Không chỉ kết nối với doanh nghiệp, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các cựu học sinh, sinh viên các khóa”.

4be276a7688fa4d1fd9e.jpg?t=1753174688
TS Trương Đức Cường đi xem và giớ​i thiệu xưởng thực hành gốm 

của học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai

Tâm huyết với dự án đường gốm Biên Hòa

Cũng theo TS Trương Đức Cường, với bề dày lịch sử gần 120 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai có nhiều chuyên ngành có lịch sử lâu đời, gắn bó với văn hóa địa phương. Tiêu biểu như ngành gốm, điêu khắc… Đặc biệt, gốm Biên Hòa có mặt ở hầu khắp các di tích, đình chùa, miếu mạo trong và ngoài tỉnh.

 “Ở Hà Nội có con đường gốm dài 5km, tôi biết Biên Hòa góp vào con đường gốm ấy 50m. Tôi nghĩ rằng, gốm Biên Hòa có lịch sử lâu đời, tại sao lại không xây dựng con đường gốm riêng của Biên Hòa - Đồng Nai. Tất nhiên, con đường gốm Biên Hòa sẽ phải khác con đường gốm ở Hà Nội. Chúng tôi đang lên kế hoạch triển khai thực hiện dự án con đường gốm của Biên Hòa, dự án này đang được UBND tỉnh xem xét, phê duyệt” - TS Trương Đức Cường nói.

Với dự án Xây dựng con đường gốm Biên Hòa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai dự kiến sẽ thực hiện trên đường 30-4. Theo TS Trương Đức Cường, con đường gốm này sẽ là con đường của các công trình gốm. Ngoài thiết kế một tiểu công viên gốm trên tuyến đường, nhà trường sẽ phục chế lại những mảng gốm mất màu, hư hỏng do thời gian tại một số công trình trên đường gốm để tạo điểm nhấn. Nhà trường cũng đang thiết kế và xin ý kiến của Bộ VH-TTDL để làm công trình gốm Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Phải lòng nghệ thuật và mỹ thuật ứng dụng, TS Trương Đức Cường say mê tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Ở ông, dễ dàng nhận thấy cái tâm, cái tầm của một nhà giáo, một con người nhân hậu và đam mê nghệ thuật hòa quyện vào nhau, để rồi ông đã và đang viết tiếp những câu chuyện đẹp cho chính mình và cho cuộc đời.

Nói về TS Trương Đức Cường, ThS Nguyễn Văn Phẩm, giảng viên kỳ cựu của Khoa Thiết kế đồ họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết: “Từ khi thầy Cường về Đồng Nai, nhà trường có nhiều điểm đổi mới, trong đó nổi bật là tạo sự đoàn kết và đồng thuận trong nhà trường. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh của nhà trường luôn đạt chỉ tiêu (trên 90% hệ cao đẳng) và vượt chỉ tiêu (hệ trung cấp). Thầy dồn hết tâm huyết và khát vọng vào việc xây dựng môi trường giáo dục chuyên nghiệp và bồi đắp, lan tỏa tình yêu nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng cho các thế hệ học sinh, sinh viên”.

Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây