Nuôi tôm công nghệ cao

Thứ sáu - 13/05/2022 15:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Với hơn 2 ngàn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, H.Nhơn Trạch là vùng nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh. Địa phương này cũng đã hình thành được những vùng chuyên canh nuôi các loại đặc sản như: tôm thẻ, tôm sú, cua, sò, hàu…Trong đó, mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ, tôm sú đang được người dân nhân rộng do mang lại hiệu quả kinh tế cao.
12.5-nuôi tôm công nghệ cao 1.jpg
Mô hình nuôi tôm thẻ tại xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch. Ảnh: Phan Anh
Đây cũng là định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới theo hướng chuyển từ thâm canh truyền thống sang cơ giới hóa và dần chuyển sang tự động hóa, hình thành các vùng nuôi chuyên canh công nghệ cao. Nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm nước lợ tại H.Nhơn Trạch đang chuyển đổi mạnh mẽ từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến lên bán thâm canh và thâm canh. Các hộ nuôi tôm ngày càng mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm giảm rủi ro dịch bệnh vừa tăng năng suất, chất lượng con tôm nuôi. 
Ông Nguyễn Trường Đại, chủ trại nuôi tôm tại xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch là nông dân đi tiên phong tại địa phương trong chuyển đổi từ nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Ông đầu tư lót bạt ny-lông ở đáy ao và làm lưới lan che phía trên không gian ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động… “ Với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3-4 lần so với nuôi ao đất. Mỗi năm, tôi nuôi được từ 4-5 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch, địa phương đang tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Vì nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha/vụ. Người nuôi đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/vụ với ao chìm và 1,5 tỷ đồng/ha/vụ với nuôi bồn tròn nổi; lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.
Ông Lê Trần Bá Thông, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX (Khu công nghiệp Lộc An, H.Long Thành) đánh giá, chính quyền Đồng Nai rất quan tâm phát triển ngành nuôi trồng thủy sản với nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư. Lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, thuộc tốp đầu thế giới. Tiềm năng xuất khẩu con tôm Việt Nam còn rất lớn. Đồng Nai lại có lợi thế phát triển nuôi thủy sản, nhất là về con tôm, trong đó, các H.Nhơn Trạch, Long Thành là những vùng nuôi rất tốt. Đây là lý do để doanh nghiệp quyết định đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản quy mô lớn tại địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đầu tư các nông trại nuôi tôm trình diễn làm mô hình điểm theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn đến hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm.
Phan Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây