Xung đột Nga-Ukraine, chi phí nguyên liệu tiếp tục tăng cũng như giá xăng dầu lập đỉnh thời gian qua đã gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Chi phí đầu vào cũng “bào mòn” lợi nhuận DN dù nhiều đơn vị đã có đơn đặt hàng dài hạn.
Giá các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng khiến doanh nghiệp khó khăn
Trong bối cảnh hồi phục sản xuất đang diễn ra, các DN đang phải nỗ lực để ứng phó với khó khăn, duy trì đà sản xuất, cơ cấu lại quy trình hoạt động để tiết giảm chi phí.
Sản xuất hồi phục nhưng gặp khó về giá nguyên liệu
Trong tình hình ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, tác động của đại dịch Covid-19… nhưng sản xuất của các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được khôi phục. Các ngành công nghiệp chủ lực chế biến chế tạo có đơn đặt hàng tăng mạnh, dẫn đến giá trị xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, hiện nền kinh tế vẫn còn khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất vẫn còn ở mức cao. Cụ thể là các ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, giá gỗ nguyên liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất tăng; ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các mặt hàng sắt, thép giá vẫn ở mức cao so với cùng kỳ… là khó khăn cho các ngành sản xuất liên quan.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 4-2022 so với tháng 12-2021 tăng 3,15%. Chỉ số giá bình quân 4 tháng năm 2022 tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là bưu chính viễn thông và giáo dục. Các nhóm hàng còn lại đều tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (tăng 18,35%) do giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,17% do nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng, đặc biệt có một số dự án lớn đi vào hoạt động
“Bào mòn” lợi nhuận
Tổng giám đốc Công ty CP Bao Bì Toàn Cầu (Glopaco) Phạm Văn Chính cho biết, nguyên vật liệu để sản xuất các loại bao bì của DN nhập vào từ đầu năm đến nay đã tăng 10%. Bên cạnh đó là các chi phí phát sinh khác. Mặc dù tăng trưởng về doanh số của DN trong năm 2021 tốt và năm 2022 có nhiều triển vọng khi số lượng bao bì cung ứng ra có thể tăng 20%, nhưng do giá cả nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển, công nợ của khách hàng… nên tình hình sản xuất cũng có những khó khăn nhất định. Trong đó, đối với bao bì giấy, nguồn nguyên liệu nhập khẩu về các DN phân phối cũng đang gặp khó khăn hơn do tác động bởi chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn. Gồng mình chống đỡ song DN không thể tăng giá sản phẩm ở mức đủ bù đắp chi phí vì khách hàng chưa dễ dàng chấp nhận.
Cũng theo ông Chính, ngoài sản xuất bao bì, ông còn đầu tư vào sản xuất, cung ứng silicat cho ngành bột giặt nhưng trong năm nay, mảng kinh doanh này tạm thời đang phải chịu lỗ. “Giá nguyên liệu trong ngành này tăng một cách bất thường, gấp đôi so với bình thường, khiến cho kế hoạch kinh doanh không đạt được như kỳ vọng” - ông Chính cho biết thêm.
Theo DN tư nhân Trà Anh Trần - chuyên cung ứng các loại trà cho thị trường Đồng Nai và lân cận thì giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. Ông Trần Đăng Ánh, Giám đốc DN, cho hay giá nguyên liệu nhập vào còn phụ thuộc vào chi phí sản xuất của người nông dân, các trang trại. Trong khi đó, giá phân bón thời gian qua liên tục tăng, khiến cho các nhà cung ứng nguyên liệu cũng tăng giá bán. Điều này kéo theo việc DN buộc phải tăng giá bán thành phẩm ra thị trường. “Trong bối cảnh khó khăn, DN tìm cách thích nghi để trụ lại, tăng giá cũng là một phương án, nhưng rất khó. Cuối cùng người bị thiệt sau cùng vẫn là người tiêu dùng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng như hiện nay” - ông Ánh chia sẻ thêm.
Nam Vũ