Hiện nay, nhiều loại nông sản ở địa phương vẫn đang loay hoay trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với các chợ đầu mối, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi…
Đại diện Sở Công thương khảo sát tình hình cung ứng, tiêu thụ nông sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất)
Đồng Nai có những thuận lợi về dân số đông, thị trường lớn, đa dạng kênh phân phối, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối phát triển. Do đó, nhiều HTX, nhà vườn trong tỉnh mong muốn tiếp cận thêm các kênh tiêu thụ ổn định vào các chuỗi bán lẻ như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn tỉnh.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho hay, HTX mong muốn được kết nối dài hạn với các hệ thống siêu thị để có thể chủ động đảm bảo nguồn hàng cung ứng, cũng như xây dựng phương án sản xuất, phân phối phù hợp, từng bước phát triển thương hiệu cho nhiều loại trái cây đặc sản của địa phương…
Tuy nhiên trên thực tế, việc đưa hàng hóa vào các chuỗi cung ứng hiện đại nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn dù cho nhiều siêu thị cũng khuyến khích, mong muốn tìm kiếm các nguồn hàng từ địa phương. Nguyên nhân là do việc kết nối tiêu thụ còn gặp vướng mắc, ràng buộc về các tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm...
Theo một số siêu thị, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây của địa phương đã vào các kệ hàng của siêu thị nhưng phần lớn là để quảng bá, giới thiệu, còn về chuyện tiêu thụ lâu dài vẫn chưa dễ triển khai, còn vướng mắc trong việc cung ứng dài hơi, đều đặn, đảm bảo số lượng sản phẩm theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của Đồng Nai có chất lượng tốt nhưng trên thực tế lại thiếu các chứng nhận cần thiết về chất lượng để vào được siêu thị như: thông tin truy xuất nguồn gốc, kiểm duyệt hàm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), vào cuối tháng 4 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm (NSTP) Dầu Giây (H.Thống Nhất) tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa tổ hợp tác, HTX, tiểu thương chợ truyền thống ở các huyện, thành phố với chợ đầu mối NSTP Dầu Giây. Chương trình nhằm hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tìm kiếm nguồn hàng nông sản với giá cả hợp lý thông qua chợ đầu mối Dầu Giây.
Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối NSTP Dầu Giây cho biết, chương trình vừa qua đã kết nối cho khoảng 50 tiểu thương ở các chợ ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh tìm kiếm nguồn hàng tại chợ đầu mối. Đây là dịp kết nối định kì để tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh được tham quan, trao đổi, kết nối giao thương với tiểu thương chợ đầu mối Dầu Giây.
Ngoài ra, thời gian qua, hoạt động kết nối giao thương giữa Đồng Nai và các tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phía Nam đã được đẩy mạnh nhiều hơn sau thời gian chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19, trong đó có hoạt động kết nối giao thương vào chợ đầu mối NSTP Dầu Giây. Đây là cơ hội tốt để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ cho nông sản thế mạnh của Đồng Nai trong tình hình mới.
Ông Đặng Văn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang chia sẻ, vừa qua đoàn công tác của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã đến tham quan các mô hình tiêu biểu, nổi bật của Đồng Nai. Đây là dịp để 2 địa phương học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau, nhất là về mô hình hoạt động của chợ đầu mối, công tác quảng bá, phát triển và kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh, nhất là các loại trái cây, nông sản của Tiền Giang và Đồng Nai. Trong đó có hoạt động kết nối cung - cầu thông qua chợ đầu mối NSTP Dầu Giây, bởi chợ này được đầu tư bài bản, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thuận lợi để kết nối hàng hóa, nông sản giữa khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ…
Vi Quân