Hơn 2 năm nay, máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của tỉnh. Đồng Nai trở thành “thủ phủ” xuất khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khoảng 5 năm trở lại đây, sản xuất, xuất khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng liên tục giữ được mức tăng trưởng khá từ 7-12%/năm.
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch).
Do thu hút đầu tư có chọn lọc
Từ trước năm 2020, trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Đồng Nai đã đưa ra chủ trương là ưu tiên các dự án vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, số dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và mở rộng đầu tư có đến 30-40% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành sản xuất máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng được nhiều DN bỏ vốn ra thực hiện.
Ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK ở KCN Amata chia sẻ: “Công ty dự tính sẽ mở thêm một nhà máy sản xuất các thiết bị, phụ tùng cung ứng cho các hãng sản xuất ô tô, máy bay trên thế giới. Dự tính đến cuối năm nay, nhà máy hoàn thành và bắt đầu tuyển thêm lao động cho các dây chuyền sản xuất và nâng công suất đáp ứng các đơn hàng của đối tác nước ngoài”.
Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng của Đồng Nai tăng hơn 100 triệu USD so với năm trước đó. Cụ thể là năm 2019, xuất khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng là hơn 1,7 tỷ USD; năm 2020 tăng lên 1,82 tỷ USD; năm 2021 khoảng 1,98 tỷ USD. Dự tính năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng cao vì có nhiều DN đang có dự định mở rộng đầu tư.
Trung tâm công nghiệp hỗ trợ
Các DN sản xuất mặt hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng ở Đồng Nai chủ yếu là xuất khẩu nên từng bước trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Đồng Nai có những DN FDI chuyên sản xuất linh kiện cho các loại xe ô tô, máy bay, tàu vũ trụ, tàu thủy, máy móc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…
Đơn cử tại TP.Biên Hòa có Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chuyên sản xuất động cơ cho các dòng máy bay từ dân dụng đến quân sự trên thế giới và hơn 80% sản phẩm cung ứng cho các hãng máy bay lớn là Airbus, Boing. Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp Amata chế tạo ra tất cả các loại vòng bi lớn, nhỏ cho hầu hết các loại máy móc công nghiệp, nông nghiệp, robor cho hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành) sản xuất cung ứng thiết bị cho các hãng ô tô trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Kaneko thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Năm 2016, Kaneko chính thức đi vào hoạt động. Sản phẩm công ty làm ra là các loại van chống nổ cho ngành dầu khí, máy bay, tàu vũ trụ, máy công nghiệp. Hiện nay, Kaneko là nhà máy sản xuất van hiện đại hàng đầu thế giới và sản phẩm bán cho hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Dự tính tới đây, công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tại Đồng Nai để nâng công suất”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đồng Nai sẽ thúc đẩy DN có vốn đầu tư trong nước cùng phát triển. Hiện có nhiều DN trong nước đã trở thành nhà cung ứng đầu vào cho DN FDI tại Việt Nam. Để tham gia vào chuỗi sản xuất với DN FDI, các DN trong nước rất chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, lao động.
Khánh Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập