Nhân Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS (1-12): Nỗ lực đạt mục tiêu 90-90-90

Thứ năm - 29/11/2018 21:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Số bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh bắt đầu giảm so với các năm trước, tuy nhiên điều này chưa thực sự bền vững. Để hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) trong năm 2020, ngoài vai trò chủ đạo của ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành khác và sự chung tay của toàn xã hội.​

Nhiều dự án hỗ trợ bệnh nhân HIV

BS. Nguyễn Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh cho biết, so với các năm trước, lượng bệnh nhân nhiễm HIV mới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc giảm này chưa thể bền vững. Ngành Y tế đang cố gắng thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Mục tiêu thứ 1 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình), Ðồng Nai mới chỉ đạt 74%, mục tiêu thứ 2 (90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV) là 78%.“Chúng tôi thực sự phải nỗ lực rất lớn để để phát hiện các trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng”, BS. Giỏi nói.


Khám, tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Ðể đạt được mục tiêu 90-90-90, nhiều dự án quốc tế đã tích cực hỗ trợ Ðồng Nai trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, dự án Quỹ toàn cầu, theo kế hoạch đến năm 2017, dự án này đã kết thúc nhưng để đảm bảo được mục tiêu trên, dự án đã tái ký kết hỗ trợ Việt Nam đến năm 2020. Dự án USAID SHIFT cũng hỗ trợ Ðồng Nai trong việc phát hiện ca mới, kết nối điều trị ở TP. Biên Hoà, huyện Long Thành và TX. Long Khánh. Dự án này đã tiến hành tập huấn nhiều lớp cho đồng đẳng viên, tư vấn viên, điều trị, xét nghiệm… và hỗ trợ thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm HIV. Một dự án khác của Quỹ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân AIDS (AHF) đã hỗ trợ việc xét nghiệm phát hiện bệnh, điều trị HIV cho các phạm nhân trong trại giam Xuân Lộc. Ngoài ra, còn 2 dự án khác hỗ trợ đào tạo các đồng đẳng viên trong việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao (mại dâm, ma túy, quan hệ đồng tính) để tư vấn, xét nghiệm nhanh. Trong năm 2019, các phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (OPC) phải thực hiện xét nghiệm 17.000 ca. “Các dự án đều có chung mục tiêu giúp đỡ bệnh nhân nhiễm HIV, hỗ trợ ngành Y tế đạt được mục tiêu 90-90- 90”, BS. Giỏi đánh giá.

BS. Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Long Thành cho hay, hiện nay các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện khá thuận lợi nhờ dự án USAID SHIFT. Những dịch vụ: xét nghiệm, chăm sóc điều trị, giám sát trọng điểm trên địa bàn rất khả quan. TTYT Long Thành đang điều trị cho 428 bệnh nhân, điều trị Methadone là 257 bệnh nhân. Trước đây, các OPC mỗi tuần chỉ khám 1 ngày nhưng hiện nay lượng bệnh nhân đông nên ngày nào phòng khám cũng hoạt động. Các bệnh nhân nhiễm HIV cũng đến khám chung với những bệnh nhân bình thường khác. “Việc khám chung với các bệnh nhân khác làm cho tâm lý của người nhiễm HIV tốt hơn. Từ đó, họ cũng ít bỏ điều trị hơn. Toàn huyện Long Thành chỉ có 1,28% bệnh nhân bỏ trị (trong khi tiêu chí là 4% bệnh nhân bỏ trị)”, BS. Văn Văn cho biết.

Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Ba tháng gần đây, huyện Long Thành đã triển khai phần mềm nhắn tin nhắc nhở bệnh nhân nhiễm HIV tái khám, điều trị. Nếu đến ngày tái khám, lãnh thuốc mà bệnh nhân chưa đến TTYT huyện thì điện thoại của bệnh nhân sẽ nhận được tin nhắn nhắc nhở. Như vậy, bệnh nhân sẽ không bị quên lịch khám, lãnh thuốc. Tuy nhiên, theo BS. Văn Văn, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình khá khó khăn để đạt được. “Dù chúng tôi thực hiện nhiều cách từ xét nghiệm tại chỗ đến lưu động, dựa vào hệ thống cộng tác viên… Tuy nhiên việc xác định số người nhiễm HIV chính xác trong cộng đồng là rất khó”, BS. Văn Văn cho hay.

Theo số liệu điều tra của TTYT huyện Long Thành, số người nhiễm HIV chỉ ước khoảng 420 đến 440 người. Trong đó, số người tiếp cận xét nghiệm đạt khoảng 80 - 90%, tuy nhiên gần đây, TTYT Long Thành tiến hành thực hiện đánh giá về điều trị Methadone thì đối tượng được đưa vào chương trình chỉ đạt 55%. Như vậy, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm nhiễm HIV trong cộng đồng. Sắp tới, huyện Long Thành sẽ được làm xét nghiệm khẳng định. Việc xét nghiệm sẽ có kết quả tại chỗ và nhân viên y tế sẽ đưa họ ngay vào chương trình phòng bệnh. “Trước đây, chúng tôi phải gửi xét nghiệm HIV lên tuyến trên, cả tuần sau mới có kết quả. Khi nhận kết quả dương tính với HIV, nhiều người tìm cách bỏ trị. Còn khi có kết quả ngay, chúng tôi không bị “mất dấu” bệnh nhân để đưa họ vào diện điều trị”, BS. Văn Văn nói.

Theo BS. Giỏi, để đạt được mục tiêu 90-90-90, không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành khác và cả cộng đồng. Chỉ tiêu giao cho ngành Y tế quản lý 6.012 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhưng đến nay mới chỉ quản lý được dưới 4.500 bệnh nhân. “Trong 2 năm tới, chúng tôi phải tìm ra gần 2.000 bệnh nhân để quản lý điều trị. Ðây là nhiệm vụ rất khó khăn”, BS.Giỏi nói.

Tập trung thực hiện mục tiêu 90-90-90

Kế hoạch phòng, chống HIV năm 2019 là tập trung thực hiện mục tiêu 90-90-90. Cụ thể, phải có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình vì nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình bị nhiễm thì có thể lây nhiễm HIV cho người thân và người khác trong cộng đồng. Ngoài ra, việc không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.

Trong số các ca nhiễm HIV, phải có 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt thì sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mục tiêu cuối cùng là 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

San Thái

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây