Chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Thứ ba - 11/12/2018 22:28
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Việc đẩy mạnh các giải pháp nhằm ổn định quan hệ lao động, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán cần tiếp tục được triển khai để đảm bảo quá trình sản xuất và phát triển bền vững.​

Tăng cường hiểu biết về pháp luật lao động

Điểm nổi bật nhất sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2020” (gọi tắt là Đề án) theo quyết định của UBND tỉnh là các cơ quan chức năng, thành viên Ban chỉ đạo và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hình thức đưa pháp luật lao động đến gần hơn với người lao động, người sử dụng lao động, góp phần nâng nhận thức về chấp hành pháp luật trong doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH  Phạm Văn Cộng cho biết, với vai trò cơ quan thường trực, Sở LĐ-TBXH phối hợp với BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý các KCN tổ chức 92 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo phổ biến pháp luật lao động cho trên 11.000 lượt người sử dụng lao động, người lao động và cán bộ làm công tác tiền lương, bảo hiểm trong doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa khảo sát việc thực hiện pháp luật lao động, nhu cầu phổ biến pháp luật và  quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc của 2.500 doanh nghiệp; điều tra thang, bảng lương và việc thực hiện nội quy làm việc tại các doanh nghiệp; phát hành trên 23.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật lao động ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; triển khai trên 1.500 phiếu tự kiểm tra thực hiện an toàn vệ sinh lao động đến các doanh nghiệp trên địa bàn…

Công nhân Công ty World Vina trên chuyền sản xuất.

Cùng với đó, cơ quan BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương tổ chức 181 hội nghị tập huấn tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH, BHYT đến từng nhóm doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin những chính sách mới về BHXH, BHYT; biên tập, phát hành trên 12.000 tài liệu, ấn phẩm; 650.000 tờ gấp tuyên truyền. Về phía tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức và phối hợp nắm tình hình lao động, hoạt động của các CĐCS trong doanh nghiệp; triển khai hướng dẫn các CĐCS tổ chức đại hội, hội nghị giữa nhiệm kỳ; rà soát việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động… góp phần chuyển biến tích cực về nhận thức pháp luật đối với người lao động và doanh nghiệp.

Với sự chủ động, tăng cường phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo đề án, UBND các huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa, nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục đưa pháp luật đến với cơ quan, tổ chức, người lao động đã được triển khai có hiệu quả. Nhờ đó, quan hệ lao động được xây dựng và củng cố theo hướng hài hòa, tiến bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, nâng mức thu nhập và đời sống của người lao động.

Phát huy vai trò công nhân nòng cốt

Đội ngũ công nhân nòng cốt trong tỉnh đã tổ chức 460 cuộc tư vấn pháp luật lưu động; 120 cuộc giao lưu giữa chính quyền địa phương và người lao động nhập cư; tư vấn trên 1,5 ngàn trường hợp về các chế độ chính sách liên quan đến người lao động. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập 3 điểm hỗ trợ công nhân tại 3 địa bàn: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom; trang bị trung bình 200 đầu sách, 2 máy tính nối mạng, 1 điện thoại và 7 đầu báo/điểm để giúp người lao động được tư vấn miễn phí, tìm hiểu thông tin pháp luật…

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến với doanh nghiệp, người lao động thì việc xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt hoạt động tích cực, trang bị kiến thức cho hòa giải viên lao động cơ sở là kênh quan trọng để đưa pháp luật đến gần hơn với người lao động và chủ doanh nghiệp. Hai năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục duy trì các buổi tư vấn pháp luật thông qua việc chọn những công nhân nhiệt tình, có trình độ để đào tạo, tham gia lực lượng công nhân nòng cốt. Theo đó, đã tổ chức 98 lớp tập huấn, đào tạo 667 công nhân nòng cốt thuộc các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn. Nội dung chủ yếu tập trung vào hai  vấn đề chính là kiến thức pháp luật lao động và kỹ năng tổ chức các buổi tư vấn pháp luật lưu động…

Huyện Nhơn Trạch là đơn vị thực hiện khá tốt nhiệm vụ hòa giải quan hệ lao động trong 2 năm thực hiện Đề án. Tính từ tháng 3-2016 đến tháng 10-2018, các ngành chức năng của huyện Nhơn Trạch đã hòa giải thành công 92/96 vụ tranh chấp lao động tập thể, mâu thuẫn về các nội dung như tiền lương, sổ BHXH, chuyển công việc khác, hợp đồng lao động, chế độ tai nạn lao động, thưởng Tết, phép năm, chấm dứt hợp đồng lao động không đúng pháp luật, bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó đã hướng dẫn khởi kiện 4 đơn liên quan các nội dung trên. Kết quả đã trả sổ BHXH cho 13 người lao động, doanh nghiệp nhận trở lại làm việc 7 trường hợp và bồi thường cho 72 người lao động với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Từ thực tế làm công tác hòa giải, bà Phan Thị Hiếu, Hòa giải viên lao động khu vực huyện Nhơn Trạch cho rằng, Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các KCN và Liên đoàn Lao động tỉnh cần hướng dẫn để các doanh nghiệp xây dựng và công khai bản nội quy lao động, quy chế khen thưởng và phép năm ngay từ đầu năm. “Có những trường hợp người lao động đến trung tâm hòa giải  thắc mắc về hợp đồng lao động hết hạn vào ngày 31-12 mà doanh nghiệp không ký nữa thì họ có được hưởng tiền thưởng và phép năm không? Về điều này, chúng ta phải căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nêu rõ trong Nội quy lao động, Quy chế khen thưởng và Thỏa ước lao động tập thể. Do vậy, nếu hướng dẫn không rõ mà trong Thỏa ước hoặc Nội quy chỉ ghi chung chung: “Người lao động sẽ được nhận thưởng Tết khi có mặt tại doanh nghiệp vào thời điểm phát thưởng” là rất khó giải quyết, thiệt thòi cho lao động”, bà Hiếu nói.

Đối với phép năm, bà Hiếu kiến nghị Sở LĐ-TBXH, Ban quản lý các KCN, Công đoàn hướng dẫn để doanh nghiệp đưa vào nội quy và thỏa ước lao động tập thể. Trong đó phải quy định cụ thể thời gian thanh toán phép năm là trong tháng 1, tháng 2 hay chậm nhất trong quý I của năm sau, khi đó, người lao động mới có cơ sở pháp lý khi khởi kiện cũng như tránh những trường hợp phát sinh mâu thuẫn khó giải quyết.

Thu nhập bình quân của người lao động  tăng từ 15 đến 20%

Trưởng phòng Lao động tiền lương - BHXH (Sở LĐ-TBXH) Cao Duy Thái cho biết, đến giữa năm 2018, thu nhập bình quân của lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn đều tăng trung bình từ 15 đến 20% so đầu năm 2016. Thu nhập bình quân của người lao động lần lượt là 7,62 triệu đồng/người/tháng (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước); 7,7 triệu đồng/người/tháng loại hình cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; 6,8 triệu đồng loại hình doanh nghiệp có vốn FDI và 6,7 triệu đồng đối với doanh nghiệp dân doanh…

Nguyệt Hà

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây