Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội đang gây sức ép ngày càng lớn lên môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai khiến nguồn nước mặt đã và đang bị ô nhiễm cục bộ, chủ yếu ở các đoạn sông ngang qua các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất… Trong khi đó, hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong lưu vực còn mang tính riêng rẽ, thiếu liên kết.
Ðây là đánh giá của các đại biểu tham dự phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai diễn ra ngày 10-12.
“Còng lưng” cõng nước thải
Sông Ðồng Nai là dòng sông nội sinh, chảy qua địa bàn 11 tỉnh, thành và là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20 triệu cư dân trong lưu vực. Sông Ðồng Nai có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên cũng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh nên sông Ðồng Nai cũng phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rất cao từ các hoạt động sản xuất và nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị…
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chuyển giao chức Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống cho Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tính riêng hoạt động sản xuất công nghiệp, sông Ðồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải từ hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất tại các địa phương. Dù các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động, tuy nhiên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt vẫn rất lớn.
Ngoài ra, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt sông Ðồng Nai từ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật do các hoạt động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng rất đáng lo ngại. Ðại diện tỉnh Lâm Ðồng cho rằng, hiện các địa phương chỉ quan tâm, giám sát nguy cơ ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghiệp mà “lơ là” kiểm soát nguy cơ ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp. Trong khi việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, kháng sinh và các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đang gây ra nguy cơ ô nhiễm cao.
Ðặc biệt, một nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước sông Ðồng Nai hiện nay chính là nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, khu đô thị lớn ven sông.
Theo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai, hiện nay có đến 10/11 tỉnh thuộc lưu vực không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường miền Nam, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tại 49 điểm trên hệ thống sông Ðồng Nai cho thấy, nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm cục bộ. Ðiển hình, các điểm quan trắc trên sông Sài Gòn từ cửa sông Thị Tính đến hạ lưu cảng Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, nồng độ N-NH4 vượt quy chuẩn A2 và B1 của Bộ TN-MT. Nồng độ oxy hòa tan trong nước suy giảm, đặc biệt từ điểm cửa sông Thị Tính (Bình Dương) đến hạ lưu cảng Tân Thuận cả 3 đợt quan trắc đều cho giá trị DO thấp hơn quy chuẩn cho phép. Tại sông Thị Vải, các giá trị như N-NO2 tại nhiều điểm vượt quy chuẩn B1 của Bộ TN-MT từ 1,4 - 6,4 lần; chỉ tiêu về Nitrit cũng vượt ngưỡng từ 1,4 - 6,9 lần cho phép.
Thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai Võ Tuấn Nhân cho rằng, thời gian qua, với sự phối hợp giữa các tỉnh trong lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai đã hạn chế và ngăn chặn được hành vi xả thải ô nhiễm từ các khu công nghiệp vào sông Ðồng Nai. Tuy nhiên, nguồn nước thải sinh hoạt từ các đô thị ven sông vẫn còn là nguồn xả lớn vào hệ thống sông Ðồng Nai mà chưa được kiểm soát hết.
Thống kê, cập nhật các nguồn xả thải từ 200 m3/ngày đêm
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho biết, trong năm 2019, các địa phương trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiến hành thống kê, cập nhật các nguồn xả thải từ 200m3/ngày trở lên trên phạm vi toàn bộ lưu vực nhằm đánh giá mức độ tiếp nhận chất thải của hệ thống sông Đồng Nai.
Thiếu sự phối hợp đồng bộ
Cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Ðề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai đến năm 2020”. Một năm sau, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai cũng được thành lập để tổ chức chỉ đạo, điều hành phối hợp liên vùng nhằm thống nhất các giải pháp bảo vệ môi trường hệ thống sông Ðồng Nai.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu gắn kết, đồng bộ, chia sẻ thông tin, “mạnh ai nấy làm” vẫn chưa được khắc phục.
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Ðồng Nai Ðặng Minh Ðức cho hay, hiện nay tuy đã có cơ chế phối hợp liên thông giữa các địa phương nhưng thực tế sự phối hợp còn rất hạn chế. Ðặc biệt, hiện giữa các địa phương vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chung để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. “Mỗi địa phương chỉ tính toán bảo vệ môi trường trên địa bàn của tỉnh mình, do đó việc bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh vẫn còn nhiều hệ thống tồn tại mà không thể phối hợp thực hiện được”, ông Ðức cho hay.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, nhiều hệ thống dòng sông trên cả nước đã đến ngưỡng quá sức chịu tải về ô nhiễm môi trường. Hiện Bộ TN-MT cùng với các tỉnh, thành liên quan đang đẩy nhanh việc điều tra, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Trong đó, Bộ sẽ đưa ra danh mục 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Từ cơ sở này, các địa phương, các ngành cần thận trọng đánh giá và xem xét kỹ lưỡng đối với việc cấp phép đầu tư, cấp phép xả thải.
Ðối với hệ thống lưu vực sông Ðồng Nai, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố liên quan có các hình thức trao đổi, liên kết trong việc giải quyết các vấn đề mang tính chất liên vùng, nhằm bảo vệ và khai thác tốt hơn nguồn nước sông Ðồng Nai. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp kiểm soát nguồn thải, trong đó các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các hệ thống xử lý tại các khu công nghiệp; kiểm soát nguồn thải tại các đô thị ven sông; đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để chủ động kiểm soát nguồn xả thải và chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên hơn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm về công tác bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
Tại phiên họp thứ 12 cũng đã diễn ra lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 4 từ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai sang Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập