Bảo hiểm xã hội tự nguyện: An sinh cho lao động tự do

Chủ nhật - 16/12/2018 22:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nếu như trước đây, chỉ những cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc người có hợp đồng lao động vô thời hạn làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới nghĩ đến chuyện được lãnh lương hưu khi về già thì nay mọi việc đã hoàn toàn thay đổi. Từ bà nội trợ, người chạy xe ôm, ông bán vé số, người lao động tự do cho đến các bạn học sinh (đủ 15 tuổi trở lên) đều có thể được hưởng lương hưu khi về già nếu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. BHXH tự nguyện chính là giải pháp đảm bảo an sinh cho lao động khu vực phi chính thức.​

Điểm tựa khi khó khăn

Ông Phạm Quang Giỏi, 54 tuổi, ngụ khu phố 2A, phường Trảng Dài làm nghề bán vé số, vừa tham gia BHXH tự nguyện. “Nếu biết tôi đã tham gia sớm hơn. Nhưng giờ này cũng chưa phải là muộn. Từ nay, tôi đã có chỗ dựa khi bệnh tật, an tâm lúc khó khăn”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Giỏi kể: năm 2017, trong một lần đi bán vé số về đến cầu Đồng Khởi ông gặp tai nạn, bánh sau của xe buýt chèn ngang chân. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ, nửa chân trái của ông phải cưa bỏ. Để không bị phụ thuộc vào người thân, ông sắm chiếc xe lăn tiếp tục công việc bán vé số. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt, kể cả thu nhập đều không được như trước. “Trước giờ tôi chưa từng đóng bảo hiểm, cũng không mua bảo hiểm y tế tự nguyện, lúc vào viện phẫu thuật, rồi thời gian tái khám tốn kém rất nhiều tiền. Tiền hoa hồng bán vé số thì không được bao nhiêu mà đi khám miết, lấy thuốc miết, cực hết sức”, ông Giỏi nhớ lại.


 Ông Nguyễn Văn Chuông, Phó chủ tịch Công đoàn BHXH tỉnh trao tặng số tiền bằng 1 tháng đóng BHXH tự nguyện cho ông Phạm Quang Giỏi, khu phố 2A, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa.

Thấy hoàn cảnh của con trai quá éo le, vợ chồng ly hôn, con trai không nghề nghiệp lại phải ngồi xe lăn, bà Phạm Thị Liễu, gần 80 tuổi tìm đến tổ trưởng tổ dân phố nhờ giúp đỡ. Tại đây bà được tư vấn để con trai bà tham gia đóng BHXH tự nguyện. Gia đình quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho ông Giỏi ở mức lương tối thiểu 700.000 đồng, tương đương số tiền đóng 154.000 đồng/tháng. “Trong lúc không có việc làm, thu nhập ổn định, lại thương tật thế này mới thấy BHXH tự nguyện thực sự là “tấm lưới” che chắn, giúp mình lúc khó khăn, hoạn nạn”, ông Giỏi chia sẻ.

Khác hẳn với trường hợp của ông Giỏi (vừa lớn tuổi, thương tật, lại không có thu nhập ổn định), vợ chồng anh Nguyễn Quốc Hùng, 31 tuổi và chị Huỳnh Thị Cúc, 28 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn Trảng Bom lại là người có điều kiện về kinh tế, còn khá trẻ nhưng vẫn chọn tham gia BHXH tự nguyện. Gặp chúng tôi khi đến đóng BHXH tự nguyện tại BHXH huyện Trảng Bom, anh Hùng cho biết, từ tháng 11 này, mỗi tháng hai vợ chồng dành ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện. “Vợ chồng tôi kinh doanh nhà nghỉ và một số dịch vụ khác, thu nhập hằng tháng khá ổn định ở mức vài chục triệu đồng, nhưng tôi vẫn muốn tham gia BHXH tự nguyện để phòng rủi ro cũng như tích lũy khi về già. Có lương hưu như người từng công tác Nhà nước bản thân cũng an tâm và đỡ gánh nặng kinh tế cho con cái. Tôi sẽ tính toán đóng BHXH tự nguyện cho hai con và xem đó là “của hồi môn” cho chúng”, anh Hùng chia sẻ.

Được biết, ngay sau khi chọn mức lương đóng 5 triệu đồng/người/tháng, vợ chồng anh Hùng đã quyết định đóng “một cục” cho cả 3 năm để được giảm 10% theo quy định của Chính phủ và giảm thêm 7,25% trong tổng 22% phải đóng.

Một trường hợp khác cũng vừa quyết định tham gia BHXH tự  nguyện là anh Khải, ngụ khu phố 2A, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa. Trước đây, anh Khải là công nhân một công ty cơ khí. Thời gian 12 năm làm việc, anh được công ty đóng BHXH đầy đủ. Cách đây vài tháng, công ty làm ăn thua lỗ, anh phải nghỉ việc. Đang định đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và lãnh bảo hiểm một lần, anh Khải được nhân viên BHXH tỉnh tư vấn và anh quyết định chuyển sang đóng BHXH tự nguyện cho đủ năm để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng và các chế độ khác. “Trước đây, cứ nghĩ phải là người Nhà nước mới có lương hưu. Nhưng hiện tại, chạy xe ôm cũng có cơ hội đó. Điều này là một may mắn cho tôi, giúp tôi bớt lo lắng khi hết tuổi lao động”, anh Khải nói.

Đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động

Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho những người lao động khi về già. Tuy nhiên sau hơn 8 năm thực hiện Luật BHXH, tính đến tháng 11-2018, toàn tỉnh mới có gần 2.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó chủ yếu là những người đã từng tham gia đóng BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sau đó nghỉ việc và đóng tiếp. Riêng đối tượng phát triển mới rất ít. Chính vì vậy, để thu hút người tham gia, cơ quan BHXH tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, trong đó đáng chú ý là phát động phong trào thi đua “Mỗi công chức, viên chức, nhân viên trong ngành BHXH Đồng Nai là một tuyên truyền viên vận động ít nhất 1 người tham gia BHXH tự nguyện”. Phong trào bước đầu đã phát huy kết quả khả quan.


Vợ chồng anh Nguyễn Quốc Hùng, chị Huỳnh Thị Cúc, khu phố 3, thị trấn Trảng Bom nhận sổ khi đóng BHXH tự nguyện.

Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, mặc dù là tỉnh có nhiều lao động tự do, tuy nhiên từ đầu năm đến nay việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn khó khăn. Tính đến tháng 11, BHXH tỉnh mới phát triển được khoảng 2.000/4.300 chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Vì thế, đầu tháng 11-2018, Ban lãnh đạo đơn vị phối hợp với Công đoàn phát động phong trào thi đua “Mỗi công chức, viên chức, nhân viên trong ngành BHXH Đồng Nai là một tuyên truyền viên vận động ít nhất 1 người tham gia BHXH tự nguyện”. Qua hơn 1 tháng phát động, đến nay đã có hơn 550 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia BHXH toàn tỉnh là trên 2.500 người. Có thể kể đến các đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua này là BHXH TP. Biên Hòa, Trảng Bom, nhiều công chức, viên chức đã vận động được trên 10 người tham gia BHXH tự nguyện chỉ trong 1 tháng phát động.

Cũng theo ông Phạm Minh Thành, để BHXH tự nguyện thực sự trở thành chỗ dựa cho những người lao động tự do, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới BHXH tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu, giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt được quy định mới, chính sách ưu đãi cũng như lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Trước mắt, BHXH tỉnh chú trọng đến nhóm đối tượng có mức sống khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế đang phát triển.

Có thể nói, BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro cho người lớn tuổi; giúp người tham gia bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động và có đủ 20 năm đóng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời ngay từ khi hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia mất, người thân sẽ được nhận tiền mai táng phí, được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hằng tháng.

Nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện

Theo quy định nhiện hành, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế trần tuổi. Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ phí đóng, cụ thể: hỗ trợ 30% phí đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% phí đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, 10% phí đóng với các trường hợp khác. Khi hết tuổi lao động, người đóng được hưởng lương hưu hàng tháng, khi mất người thân được hưởng tiền tuất.

H. Lộc

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây