Ngọt ngào giai điệu phương Nam

Thứ hai - 10/12/2018 00:05
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Bộ môn nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử (ĐCTT) vốn được xem là “đặc sản” của vùng đất Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Những “sân khấu ĐCTT” một thời rực rỡ đã đi vào niềm thương, nỗi nhớ của những ai yêu bộ môn nghệ thuật này. Lời ca tiếng hát trong những làn điệu mộc mạc, chân chất, bình dị như chính cốt cách khoáng đạt, giàu nhân nghĩa của người Nam bộ. Ngày nay, dẫu gặp không ít khó khăn, thăng trầm nhưng ĐCTT vẫn sống trong lòng những người mộ điệu.​

Mộc mạc tình quê…

Dù ĐCTT không còn được các thế hệ trẻ yêu mến, cũng không còn nằm trong những chương trình lớn để phục vụ đông đảo công chúng nhưng sức sống của loại hình nghệ thuật này vẫn tồn tại theo cách của riêng mình, bình dị mà mượt mà. ĐCTT có sự mặn mà trong thanh âm của ngũ cung, của những sắc thái buồn vui trong lao động, của những thăng trầm thời cuộc, được gói ghém cẩn trọng theo từng lời ca...

Sau khi xuống một bản tài tử, ông Trần Văn Tình (Chủ nhiệm câu lạc bộ ĐCTT huyện Tân Phú) hào hứng cho biết, không chỉ ông mà bà con ở Tân Phú mê ĐCTT lắm. Thế nên, từ khi thành lập câu lạc bộ ĐCTT thì phong trào ca hát diễn ra sôi nổi. “Lúc nhàn rỗi cũng như trong lao động, mọi người vẫn thường tập trung lại đờn ca. Dù không được học bài bản nên đôi khi ca còn nhiều lỗi nhưng tất cả đều thể hiện với tinh thần vui vẻ, thoải mái. Người lớn ca để vơi đi mệt nhọc trong lao động, để vui với tuổi già. Người trẻ tập tành theo người lớn, có lúc mượn câu ca để giao duyên”, ông Tình nói.


 
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử.

Là người may mắn được trời phú cho giọng ca ngọt ngào cùng với niềm đam mê ĐCTT, chị Kim Chi (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cho biết, chị theo nghề hát tài tử đã hơn 10 năm. Ngày nào không được hát, không được biểu diễn là chị lại cảm thấy thiếu vắng. “Tôi thích biểu diễn các bài bản về tình yêu quê hương, nó mộc mạc, trầm ấm, đậm tình đất tình người. Bởi vậy, khi diễn, tôi đặt hết cái tâm vào trong từng bài bản, từng nhịp đờn để chuyển tải được cái hồn đến người nghe”, chị Kim Chi bày tỏ.

Ông Trần Văn Mỹ (Câu lạc bộ ĐCTT huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “ĐCTT không câu nệ hình thức, cũng không cần dàn âm thanh lớn, không cần nhà hát lộng lẫy (nếu có thì càng hay, hấp dẫn), chỉ cần cây đờn kìm hoặc người giỏi còn có thể chơi “đờn miệng” để dìu dắt người ca. Với người Nam bộ, bất cứ nơi nào, trạng thái nào, hoàn cảnh nào đều có thể xuất hiện ĐCTT. Không có gì thú vị bằng giữa trưa hè thư thái, hay trong đêm khuya vắng lặng, được nghe một vài câu vọng cổ”.

Lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử

Có thời gian, nhiều người lo ngại ĐCTT sẽ dần bị lãng quên khi hàng loạt xu hướng văn hóa ngoại lai xâm nhập. Giới trẻ yêu thích giai điệu sôi động, hiện đại của nhạc điện tử, K-pop, rock… chứ ít khi để ý đến giai điệu trữ tình, trầm bổng của ĐCTT. Thế nhưng không hoàn toàn như thế, ĐCTT vẫn sống và âm thầm lan tỏa.

Tại Đồng Nai, phong trào ĐCTT gần đây phát triển và lan tỏa mạnh hơn bởi tỉnh nhà có nhiều thế hệ nghệ nhân giỏi chuyên môn dày công vun đắp; cùng với nhu cầu thưởng thức của người dân địa phương, và quan trọng hơn là nhận được sự quan tâm của chính quyền trong việc lãnh đạo, tổ chức các hoạt động phong trào, thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều câu lạc bộ ĐCTT ở các địa phương đã kết nạp thêm nhiều thành viên mới, theo đó là những buổi giao lưu, sinh hoạt diễn ra khá thú vị... Tất cả cùng nhau hòa đờn, hòa ca những cung bậc quê hương Đồng Nai, những làn điệu cổ nhạc nồng ấm của Nam bộ.

Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh Tôn Thị Thanh Tình, Đồng Nai là một trong những địa phương có không gian nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và phong trào ĐCTT khá phát triển. Nhiều thế hệ nghệ nhân đã dành tình cảm, tâm huyết và tài năng của mình để “trao truyền” cho thế hệ trẻ, để loại hình nghệ thuật này tiếp tục lan tỏa trong đời sống. Đặc biệt là góp phần giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh thông qua hoạt động giao lưu; biểu diễn đường phố... Nhiều địa phương đã hướng ĐCTT đến tính chuyên nghiệp hơn khi xây dựng không gian mở, đưa về khu du lịch sinh thái để tạo cảm xúc nhiều hơn cho cả người đờn, người hát và người nghe.

Là người có mặt “trên từng cây số” với các hoạt động giao lưu, biểu diễn, hướng dẫn ĐCTT cho người trẻ nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ cho rằng, ĐCTT gần đây đã hướng đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, các tài tử cần quan tâm đến các bài bản mới với chủ đề về nông thôn mới, xây dựng văn hóa mới ở các địa phương… Từ các bài bản này, tài tử sẽ tự làm mới mình với sự khai phá những giai điệu trong bài bản ấy. Và điều quan trọng là làm sao để người nghe cảm nhận được cái hay và nét độc đáo của âm nhạc tài tử - bản sắc văn hóa của vùng đất phương Nam.

Trong không khí hướng về đại lễ kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, những âm điệu ngọt ngào của nhạc tài tử đã và đang làm cho lòng người thêm tươi vui, phấn khởi. Cùng với niềm hân hoan đón chào năm mới, Xuân Kỷ Hợi 2019 trên quê hương Biên Hòa - Đồng Nai sẽ ngập tràn lời ca, tiếng hát và ĐCTT luôn thắm nồng hương sắc, lan tỏa đến công chúng gần xa…

Khép lại Liên hoan ĐCTT tỉnh Đồng Nai năm 2018

Liên hoan ĐCTT tỉnh Đồng Nai năm 2018 đã khép lại. Ban tổ chức đã trao 40 giải cho các cá nhân và tập thể tham gia. Trong đó, giải A toàn đoàn thuộc về 4 huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TX. Long Khánh. Giải B toàn đoàn thuộc về 4 huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú và Câu lạc bộ ĐCTT Trung tâm Văn miếu Trấn Biên.

Trong khuôn khổ liên hoan, Ban tổ chức đã trao 9 giải (1 nhất, 2 nhì, 3 ba và 3 khuyến khích) cho các tác phẩm hay trong cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của nghệ thuật ĐCTT năm 2018. Trong đó, giải nhất thuộc về tác giả Anh Liệt với tác phẩm “Ngũ đối hạ: Người mẹ Việt Nam” (huyện Long Thành); 2 giải nhì thuộc về tác giả Ngô Thanh Diệu với “Liên Nam: Đất mẹ quê hương” (Bến Tre) và Đặng Thanh Huyền với “Vạn giá 24 câu: Chở xuân ra biển đảo” (An Giang).

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây