(CTT-Đồng Nai) - Mục tiêu chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của nông dân tại H.Vĩnh Cửu
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của nông dân tại H.Vĩnh Cửu
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, có nhiều chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Theo đó, từ nông dân đến doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã sớm tiếp cận và đưa vào ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Công nghệ giúp tăng giá trị cho nông nghiệp
Thời gian qua, KHCN đã đóng góp rất lớn vào việc tạo ra giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp qua nhiều hoạt động như: nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, lúa, cây ăn quả và phương pháp canh tác, nuôi trồng mới... Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng hiệu quả KHCN đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, tăng cường quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý dịch hại tổng hợp.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, nhờ ứng dụng KHCN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năng suất lúa của Việt Nam đạt cao nhất trong các nước ASEAN, gấp 1,5 lần Thái Lan; cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới; cao su đứng thứ 2 thế giới...
Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỉ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Hỗ trợ xây dựng và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp CNC; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% năm 2030…

Chương trình giới thiệu các giống rau, trái mới tại một công ty sản xuất giống công nghệ cao ở H.Long Thành
Chương trình giới thiệu các giống rau, trái mới tại một công ty sản xuất giống công nghệ cao ở H.Long Thành
Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp CNC. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt hơn 22,7 ngàn tỷ đồng, tăng 3,86% so với năm 2021; mức tăng cao hơn mức bình quân chung cả nước và cao nhất so với các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 44 đề tài, dự án nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời chuyển tiếp thực hiện 52 đề tài đã được phê duyệt trước đó. Các địa phương đã tập trung hỗ trợ triển khai nhân rộng 68 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả với gần 2,3 ngàn ha cây trồng, 151 ngàn vật nuôi và 15ha nuôi trồng thủy sản.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ, đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu như: Toàn tỉnh đã xác định được 98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với diện tích gần 19 ngàn ha. Các địa phương đã đề xuất được 60 dự án nông nghiệp kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Nhiều mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ thu hút nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia theo chuỗi liên kết. Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) đã xây dựng được 3 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đối với sản phẩm trồng lúa và nuôi heo; chuỗi liên kết chăn nuôi, chế biến sản phẩm gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản; một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ... Hiện 100% diện tích trồng mới và tái canh với các cây trồng chủ lực như: cà phê, tiêu, ca cao, cây ăn trái… trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các giống mới, chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 2 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng 386ha so năm 2021.