Chiều 15-8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam và Bộ VHTT-DL tổ chức hội thảo “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Các đại biểu tại điểm cầu Đồng Nai tham dự hội thảo khoa học “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Các đại biểu tại điểm cầu Đồng Nai tham dự hội thảo khoa học “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Phát triển XHHT chính là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia
Hội thảo đã thu hút 72 bài báo cáo tham luận của các Tỉnh ủy, HKH các tỉnh, các dòng họ, gia đình học tập tiêu biểu. Qua đó, thể hiện được nhiều góc nhìn, gợi mở nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng XHHT.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của hội thảo, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam, gắn với giữ gìn hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của gia đình, dòng họ trong nuôi dưỡng, cung cấp nguồn lực con người cho quá trình phát triển bền vững của đất nước. Đồng chí nhấn mạnh, phát triển XHHT chính là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia; khẳng định XHHT là chìa khoá để mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, bản làng, thôn ấp nói riêng và đất nước nói chung bước vào thế giới hiện đại. Xây dựng XHHT bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị cần phát huy giá trị văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ, văn hoá giáo dục để gắn kết hơn nữa giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội; mọi công dân cần tận dụng cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu; tăng cường xây dựng XHHT, tạo điều kiện để mọi người được học tập bình đẳng; các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và toàn thể người dân cần quán triệt chủ trương, chính sách về xây dựng XHHT, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết về công tác xây dựng gia đình, giáo dục con người Việt Nam; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để lan toả những mô hình hay, gương điển hình trong xây dựng XHHT.
Bồi đắp tri thức, phát triển đất nước bền vững
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch HKH Việt Nam, từ năm 1999, Trung ương HKH đã đề nghị và được Chính phủ giao cho nhiệm vụ thực hiện các mô hình “Gia đình hiếu học” rồi đến “Gia đình học tập”, “Dòng họ hiếu học” rồi đến “Dòng họ học tập”, với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng XHHT ở nước ta. Đây là những mô hình đặc sắc không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới; những danh hiệu này do Nhà nước quy định, việc đánh giá và phong tặng do chính quyền các cấp thực hiện.
Qua 22 năm thực hiện, đến nay, thực tế đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua việc thực hiện các mô hình học tập. Do đó, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT từ gia đình, dòng họ để nét đẹp văn hóa và truyền thống tốt đẹp của địa phương, của đất nước mãi mãi trường tồn và phát huy.
GS-TS. Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, hội thảo nhằm góp phần đánh giá đúng vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng XHHT; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam theo đúng tinh thần “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Qua đó, luận giải một khía cạnh từ góc độ gia đình, dòng họ trong xây dựng, phát triển văn hóa, bồi đắp tri thức cho công dân Việt Nam nhằm phát triển bền vững đất nước bằng trí thức. Hội thảo cũng là cơ sở quan trọng để Bộ VHTT-DL nghiên cứu, lồng ghép mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập vào bình xét gia đình văn hóa, tổ, ấp văn hóa.

Mọi công dân cần tận dụng cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu
Mọi công dân cần tận dụng cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu