(CTT-Đồng Nai) - Tại phiên họp thứ nhất để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2024 của Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây, đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn tăng lương mức 5-6%. Thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo NLĐ và cán bộ Công đoàn.

Người lao động đang chắt bóp chi tiêu vì giảm việc làm và thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2023
Người lao động đang chắt bóp chi tiêu vì giảm việc làm và thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2023
Nhiều NLĐ đang mong chờ
Công nhân Trần Minh Hương, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) cho hay, thời gian qua, NLĐ đã thấu hiểu, chấp nhận nghỉ việc không lương đợi DN có đơn hàng trở lại. Ngoài ra, những lúc DN khó khăn trước đây, Chính phủ đã chia sẻ với DN khi không tăng LTTV và NLĐ đã đồng lòng với quyết định đó. Nhưng hiện nay, NLĐ cần sớm được tăng lương để bù đắp lại phần trượt giá đang phải gánh chịu.
Chị Lê Thị Thu, công nhân tại Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa cho biết, NLĐ đang đối mặt với nhiều khó khăn do việc làm giảm nên rất mong muốn tăng lương trong năm 2024. “Trong khi giá cả các mặt hàng và nhiều dịch vụ khác vẫn tăng, mức lương hiện tại của NLĐ khó đảm bảo cuộc sống. Việc tăng lương sẽ góp phần chia sẻ một phần khó khăn với NLĐ” - chị Thu chia sẻ.
Tương tự, anh Trương Minh Đạt, công nhân Công ty TNHH Tenma Việt Nam (TP.Biên Hòa) cũng bày tỏ mong muốn sớm được tăng LTTV. Theo anh Đạt, hiện nay DN cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng đời sống của NLĐ cũng rất chật vật. Hiện nhiều lao động không tăng ca nên thu nhập không đủ chi phí trả tiền trọ, sinh hoạt và chuẩn bị học phí vào năm học mới cho con. Vì thế, tăng LTTV sớm cũng là chính sách để NLĐ đảm bảo cuộc sống, yên tâm làm việc, gắn bó với DN.
Thực tế, từ năm 2022 đến nay, nhiều NLĐ do giảm việc làm, thu nhập không đảm bảo mức sống đã nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc vay tín dụng đen để trang trải cuộc sống. Các cấp Công đoàn đã vận động NLĐ chung tay chia sẻ khó khăn với DN. Song, trong bối cảnh hiện nay, nhiều NLĐ và cán bộ Công đoàn đang rất mong muốn LTTV có mức tăng hợp lý xét trên mức độ trượt giá và đời sống của NLĐ.
Đề xuất tăng LTTV 6%
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước khi phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia được diễn ra, tổ chức Công đoàn đã khảo sát mức sống NLĐ ở gần 200 DN thuộc 6 tỉnh, thành. Kết quả, trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu; hơn 17% NLĐ phải vay tiền chi tiêu. Đối với tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu đồng/tháng. Căn cứ kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương NLĐ, tổ chức Công đoàn mong muốn điều chỉnh tiền LTTV để bù đắp chỉ số trượt giá với mức tăng 5-6%.
Chia sẻ về đề xuất tăng LTTV của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang (TP.Biên Hòa) cho hay, nhiều DN vẫn trong tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới khiến đơn hàng giảm mạnh và đang tìm các phương án sản xuất để giữ việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ lại khó khăn hơn vì thu nhập giảm dẫn tới cuộc sống không đảm bảo.
LTTV tăng hay không còn phụ thuộc vào kết quả các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong năm nay với tối đa 3 phiên họp. Sau phiên họp thứ nhất, dự kiến, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp lần 2 vào tháng 11-2023 để bàn, đánh giá tình hình thực tế, từ đó đề xuất mức tăng LTTV cho năm sau với mục tiêu trong lần tăng vào năm 2024 là phải bảo đảm cao hơn mức sống tối thiểu của NLĐ.
Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở tại DN trên địa bàn tỉnh cho hay, tình hình các DN thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm trong thời gian qua đã dẫn đến thu nhập của NLĐ giảm. Thậm chí, nhiều NLĐ bị mất việc, nghỉ việc không lương. Chưa khi nào NLĐ mong muốn có việc làm ổn định như bây giờ để có thể đảm bảo mức lương đủ sống của mình.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm 1 lần đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, đã phần nào phản ánh những khó khăn trong đời sống của NLĐ. Việc xem xét tăng LTTV trong năm 2024 được cho là rất cấp thiết. Về mức tăng, Hội đồng tiền lương quốc gia cần cân nhắc cụ thể nhằm giúp cho NLĐ đảm bảo được đời sống của mình.
Đại diện các DN cho biết, họ đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, vốn, hàng bị trả lại khiến doanh thu giảm, thậm chí không có doanh thu. Nhiều DN phải xoay xở đi tìm nguồn hàng nhằm giữ việc làm cho NLĐ. Vì vậy, các DN mong lùi thời gian tăng LTTV để chia sẻ khó khăn cùng DN.
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc tăng LTTV vào năm 2024. Song điều quan trọng là DN và NLĐ cần chia sẻ, đồng lòng vượt qua khó khăn để cùng phát triển lâu dài. DN cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách để động viên NLĐ làm việc có năng suất, chất lượng. Cùng với đó, phải để tiền lương thực sự là động lực để NLĐ thi đua sản xuất, góp phần thúc đẩy DN phát triển nhưng cũng hài hòa với khả năng của DN.