Nghị lực vươn lên làm giàu

Chủ nhật - 20/08/2023 14:00
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT- Đồng Nai) Mặc dù cơ thể bị khuyết tật từ nhỏ nhưng ông Phạm Văn Dương (ngụ ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) không chịu đầu hàng trước số phận mà luôn phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu, trở thành người sống có ích cho gia đình, xã hội.

Ông Phạm Văn Dương đang thực hiện kỹ thuật ủ chua thức ăn bằng men vi sinh để cho vật nuôi ăn
Ông Phạm Văn Dương đang thực hiện kỹ thuật ủ chua thức ăn bằng men vi sinh để cho vật nuôi ăn

Vượt qua khó khăn, thử thách

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Dương kể cho nghe về cuộc đời và sự nghiệp của mình. Ông là người con thứ 5 trong gia đình có 8 anh, chị, em. Trong lúc ông đang khỏe mạnh thì đột ngột trải qua cơn sốt nặng dẫn đến bại liệt cả tay và chân lúc lên 4 tuổi. Mặc dù gia đình đã nỗ lực đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng chân phải của ông rất yếu khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Năm lên 11 tuổi, ông Dương cùng gia đình rời quê Hà Nội để vào Đồng Nai sinh sống. Cuộc sống gia đình trong thời gian đầu tại nơi ở mới chưa được ổn định nên việc học tập của ông bị gián đoạn nhiều lần. Đến khi học xong lớp 9, ông đã nghỉ học hẳn để ở nhà làm việc phụ giúp gia đình.

Năm 18 tuổi, ông Dương đã xin cha mẹ lên TP.HCM học nghề may thời trang vì đây là ngành nghề phù hợp với điều kiện, sức khỏe của bản thân. Ông học nghề trong 3 năm rồi ra trường tự tìm kiếm việc làm tại thành phố. Ông đã nắm bắt cơ hội làm ăn và dùng số tiền dành dụm để thuê mặt bằng mở cơ sở may mặc để nhận đào tạo công nhân may mặc rồi giới thiệu vào làm việc tại các công ty, đồng thời sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang nước ngoài. Bên cạnh đó, ông còn mở trung tâm giới thiệu việc làm với đa dạng ngành, nghề cho đối tác làm ăn. Công việc làm ăn của ông “gặp thời” cứ ngày càng ăn nên, làm ra.

Cuối năm 2007, ông Dương cưới vợ và có cuộc sống cũng như công việc rất tốt tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi con gái đầu của ông được 14 tháng tuổi thì tai họa ập đến với gia đình. Con gái của ông chẳng may té ngã vào nồi canh dẫn đến bị bỏng toàn thân. Vợ chồng ông đã dùng toàn bộ nguồn lực để lo cấp cứu, chữa trị trong nhiều tháng thì con gái mới vượt qua được cơn nguy kịch. Tuy nhiên, bé vẫn rất yếu và thường hay đau ốm nên vợ chồng ông quyết định nghỉ làm ở TP.HCM để đưa cháu về sinh sống cùng với cha mẹ ruột tại Đồng Nai với hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc sống của vợ chồng ông Dương trong thời gian đầu ở chung với cha mẹ đã gặp rất nhiều khó khăn do ông chưa tìm được việc làm, còn vợ nỗ lực đi làm thuê, làm mướn nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 100 ngàn đồng. Trong khi, vợ chồng ông phải chi trung bình mỗi tuần khoảng 10 triệu đồng để lo chữa trị, thuốc men cho con gái. Tiền dành dụm bấy lâu cứ vơi dần rồi dẫn đến trắng tay.

Trong lúc cuộc sống tưởng chừng như bế tắc thì cơ hội làm ăn đã đến với ông Dương. Được người bạn tốt chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định vay mượn số tiền khoảng 400 triệu đồng và sử dụng khu vườn rộng 2ha của cha mẹ (chỗ ở hiện nay) để đầu tư làm hệ thống điện và trang trại nuôi gà tam hoàng với số lượng 7 ngàn con gà. Thấy mô hình làm ăn hiệu quả nên ông đầu tư mở rộng trang trại để nuôi tăng đàn lên 12 ngàn con rồi những năm sau đó tiếp tục thuê đất làm thêm 1 trang trại để nuôi tổng đàn gà lên đến 50 ngàn con. Ông đã liên kết với các công ty tiêu thụ gà thương phẩm nên đầu ra của sản phẩm ổn định.

Ông Phạm Văn Dương bên trang trại nuôi lợn bằng thức ăn ủ chua để cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường
Ông Phạm Văn Dương bên trang trại nuôi lợn bằng thức ăn ủ chua để cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường

Phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống

Năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tạm ổn định nhưng đầu ra của sản phẩm ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, trong khi giá cả thức ăn, thuốc điều trị cho gia cầm ngày càng tăng cao. Ông Dương quyết định giảm số lượng đàn gà để đầu tư làm mô hình nuôi heo hữu cơ. Ông đã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào có sẵn tại địa phương rồi dùng men vi sinh ủ chua làm thức ăn cho đàn heo.

“Việc nuôi heo sạch bằng thức ăn ủ chua mang lại nhiều lợi ích như: chi phí đầu tư rẻ, nguồn thức ăn dự trữ dồi dào và giàu chất dinh dưỡng, giúp cho đàn heo ăn uống khỏe mạnh, phát triển tốt, ít bị bệnh, giá trị kinh tế cao”- ông Dương bộc bạch.

Sau hơn 1,5 năm áp dụng mô hình nuôi heo hữu cơ, hiện trang trại của ông Dương có 40 con heo nái sinh sản và 400 con heo nhỏ. Gia đình ông vừa bán 200 con heo với giá 120 ngàn đồng/kg, số lượng còn lại sẽ được lựa chọn những con heo đẹp để nuôi làm giống nhằm tăng đàn heo nái lên 100 con để đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn.
Ông Vũ Văn Khuyên, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sông Trầu nhận xét, hộ ông Phạm Văn Dương là một trong những gia đình khuyến học tiêu biểu tại địa phương. Hiện tại, ông Dương vẫn say mê học tập, tự mày mò nghiên cứu kiến thức trên sách, báo, internet rồi áp dụng vào làm kinh tế gia đình. Nhờ chọn hướng đi đúng đắn, gia đình ông Dương ngày càng ăn nên làm ra và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho các con ăn học đàng hoàng.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây