(CTT-Đồng Nai) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2022), làm 2 người chết (tăng 1 người chết so với cùng kỳ năm 2022), thiệt hại về tài sản ước tính 9,14 tỷ đồng (giảm 134,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, tại các khu dân cư đã ghi nhận 10/18 vụ cháy.

Công an TP.Biên Hòa hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay Ảnh: Trúc Viên
Công an TP.Biên Hòa hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay Ảnh: Trúc Viên
Nỗi lo cháy trong khu dân cư
TP.Biên Hòa hiện có nhiều phố nằm san sát nhau trong các ngõ hẻm, trên các trục đường trung tâm; phần lớn các nhà này được xây từ lâu, san sát nhau, ít được cải tạo, nâng cấp. Trong đó, không ít nhà dùng để ở, vừa kinh doanh với đặc thù hàng hóa sắp xếp chồng chất nhau trong chính ngôi nhà, hệ thống điện ít được nâng cấp… dẫn tới nguy cơ cháy luôn rình rập.
Thực tế, tại TP.Biên Hòa đã xảy ra một số sự cố cháy loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh này. Như vào trưa 16-3, một căn nhà vừa ở, vừa kinh doanh băng, đĩa nhạc trên đường Phan Đình Phùng (đoạn qua P.Thanh Bình) đã bốc cháy dữ dội, khiến các hộ dân sinh sống trong căn nhà này và các nhà xung quanh hoảng hốt tháo chạy thoát thân. Trước đó, chiều 26-2, một nhà kho tạm dựng bằng các tấm tôn trong hẻm 22 đường Huỳnh Văn Lũy (kế bên Trường tiểu học Lê Văn Tám, thuộc KP.2, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã bốc cháy dữ dội.
Không chỉ vậy, toàn tỉnh hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư. Đáng nói, trong thời gian qua, toàn tỉnh cũng xảy ra một số vụ cháy các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngay trong khu dân cư vào ban đêm. Như trong chiều 19-5, nhà kho chứa rác của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ môi trường Thuận Thiên Thuận Phát (đóng tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) bốc cháy dữ dội. Hoặc khuya 20-3, bãi chứa phế liệu thuộc Công ty TNHH MTV Trà Đăng Khôi rộng hơn 500m2 nằm trên đường song hành quốc lộ 51 (xã Long Đức, H.Long Thành) xảy ra cháy lớn, phải mất hơn 3 giờ mới dập tắt hẳn.
Đại diện Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, một số tồn tại trong công tác PCCC tại các khu dân cư trong thời gian qua là do khó khăn về kinh phí nên các đội PCCC dân phòng ở cơ sở chưa được trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ đầy đủ theo quy định. Về phía nhà dân, đa phần các căn nhà có hệ thống điện cũ kỹ, ít được nâng cấp. Bên trong nhà lại chứa nhiều vật dụng dễ cháy như: đồ gỗ, quần áo, bếp gas, bếp điện… Nhiều nhà được xây dựng lâu năm hoặc ở trong các con hẻm nhỏ thường chỉ có lối ra vào duy nhất là cửa chính, dẫn đến lối thoát hiểm bị hạn chế.
Cùng với đó, công tác tự kiểm tra an toàn PCCC của một số người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Không ít cơ sở trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy còn thiếu và mang tính hình thức, không có hệ thống báo cháy để phát hiện cháy sớm, lực lượng PCCC cơ sở còn lúng túng.
Nối dài “cánh tay” chữa cháy
Nhằm tiếp tục đảm bảo an toàn PCCC mà cụ thể là kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy nhà dân, cháy trong khu dân cư gây ra, lực lượng Công an xác định phải củng cố công tác PCCC từ cơ sở. Thông qua 2 cách là xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ và mở rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
Vừa qua, công an các địa phương đã huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho chỉ huy tại chỗ và lực lượng PCCC tại chỗ (bảo vệ dân phố, dân phòng, cán bộ, công nhân, công chức, viên chức) của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, công an các địa phương đã xây dựng 489 tổ liên gia an toàn PCCC và 399 điểm chữa cháy công cộng, vượt chỉ tiêu đề ra vào đầu năm 2023. Tính từ khi triển khai các mô hình trên (tháng 9-2022) đến tháng 6-2023, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 631 tổ liên gia an toàn PCCC và 513 điểm chữa cháy công cộng.
Đồng thời, nhằm nâng cao khả năng ứng phó sự cố cháy ở địa bàn cơ sở, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan sớm tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng của các họng, trụ lấy nước PCCC. Đồng thời, lập danh mục ao, hồ, sông, suối, bến bãi lấy nước chữa cháy tại các khu đô thị và khu công nghiệp, đặc biệt là các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, làng nghề hoặc khu dân cư lâu đời. Từ đó lập phương án, kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nước PCCC (họng, trụ lấy nước PCCC, bến bãi, bể nước dự phòng), đảm bảo nguồn cấp nước chữa cháy tại chỗ.
Lãnh đạo UBND P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên đề nghị lực lượng công an, trưởng khu phố nhắc nhở người dân tại các buổi họp dân, nhất là các biện pháp giữ an toàn PCCC từ hệ thống điện, bếp nấu ăn, việc đốt vàng mã, cỏ rác… Ngoài ra, Công an phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công tác an toàn PCCC với các hộ vừa ở, vừa kinh doanh; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC; xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn về PCCC; tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các hộ dân cách sử dụng bình chữa cháy xách tay nhằm góp phần nâng cao ý thức phòng cháy đến từng hộ gia đình.