(CTT-Đồng Nai) - Thông tin từ Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác dân số trong cả nước gặp nhiều khó khăn. Dự kiến có nhiều chỉ tiêu không đạt.

Khám thai cho phụ nữ tại CDC Đồng Nai
Khám thai cho phụ nữ tại CDC Đồng Nai
Tổng tỷ suất sinh không đạt
Theo đó, chỉ tiêu cơ bản là tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra (kế hoạch là 2,1 con/phụ nữ). Bên cạnh đó, có 4/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỷ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Về chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh (tăng 0,1% so với năm 2022) dự kiến không đạt chỉ tiêu cả năm.
Nguyên nhân do các tỉnh có mức sinh thấp, việc giao tăng sinh là chỉ tiêu mới, nên địa phương chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng mức sinh. Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong rà soát, bãi bỏ, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp; chưa ban hành các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con; các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi về sinh đủ 2 con chưa kịp chuyển đổi phù hợp với mức sinh.
Các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng có mức sinh thấp (các can thiệp đối với đối tượng vị thành niên, thanh niên, dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn,...) đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh/thành phố thuộc vùng này.
Tại các tỉnh có mức sinh cao, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) kết thúc, bắt đầu từ năm 2017, chi phí thực hiện các dịch vụ KHHGĐ do địa phương chi trả. Song những tỉnh có tỷ lệ miễn phí cao (tỉnh có mức sinh cao) hầu hết là các tỉnh nghèo nên việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng ưu tiên theo quy định gặp nhiều khó khăn.
Giai đoạn chuyển đổi nhiệm vụ quản lý phương tiện tránh thai, cung cấp dịch vụ KHHGĐ từ Trung tâm DS-KHHGĐ sang Trung tâm Y tế nảy sinh một số khó khăn, bất cập. Số lượng cộng tác viên dân số giảm và có sự thay đổi lớn, tỷ lệ lớn cộng tác viên dân số chưa được đào tạo phù hợp đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý đối tượng và cấp phát phương tiện tránh thai tại cộng đồng. Một số văn bản quy định chuyên môn những năm gần đây làm hạn chế cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại tuyến cơ sở, nhất là tuyến xã và tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, các biện pháp tránh thai chưa đa dạng do thiếu thuốc cấy, thuốc tiêm để đáp ứng nhu cầu tránh thai của người dân.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đồng Nai 2
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đồng Nai 2
Tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh không đạt
Về chỉ tiêu giảm 15% số trẻ vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn so với năm 2022 dự kiến cả năm không đạt.
Nguyên nhân là vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ DS-KHHGĐ, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai. Gia đình vị thành niên, thanh niên chưa chú trọng việc giáo dục sức khoẻ sinh sản để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.
Về chỉ tiêu tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh, số liệu tổng hợp từ báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ 55 tỉnh, thành phố 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chung 6 tháng đầu năm 2023 là 50,2%. Dự kiến cả năm 2023 khó đạt chỉ tiêu 55% trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh.
Về chỉ tiêu tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, ước tính đạt 20% kế hoạch, dự kiến năm 2023 không đạt chỉ tiêu tăng thêm 8% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn so với năm 2022.
Nguyên nhân là do chưa có quy định và danh mục cụ thể trong khám sức khỏe trước khi kết hôn nên việc triển khai hoạt động dừng ở tuyên truyền, vận động và khuyến khích các đối tượng tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Cán bộ tham gia chương trình còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, chưa được đào tạo, tập huấn hàng năm về lĩnh vực vị thành niên, thanh niên nên gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động của chương trình. Đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe trước khi kết hôn nên việc tổ chức khám còn gặp nhiều khó khăn.
Về chỉ tiêu tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, ước tính đạt 50% kế hoạch năm, dự kiến cả năm 2023 không đạt chỉ tiêu tăng thêm 11% tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm so với năm 2022.
Nguyên nhân là một số địa phương bố trí kinh phí không đủ để thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho tất cả đối tượng người cao tuổi. Về tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi ở một số địa phương còn khó khăn do Trạm Y tế thiếu nhân lực, cơ sở vật chất; công tác phối hợp chưa tốt. Còn có người cao tuổi chưa có thói quen, hiểu hết ý nghĩa của việc khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tổ chức khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi các địa phương trong tỉnh
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tổ chức khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi các địa phương trong tỉnh