Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1: Nhiều câu hỏi từ đề án mới

Thứ ba - 06/03/2018 22:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Việc di dời các doanh nghiệp và chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, hiện đơn vị chủ trì thực hiện vẫn chưa đưa ra được một giải pháp phù hợp.​

Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất

KCN Biên Hòa 1 hình thành từ năm 1963, tổng diện tích 335 ha. Mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải, trong đó chỉ có hơn 1.000m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Chính vì vậy, hoạt động của KCN này gây rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với sông Đồng Nai.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Tổng công ty Phát triển KCN (Tổng công ty Sonadezi) thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Năm 2013, Tổng công ty Sonadezi đã đưa ra đề án thực hiện việc chuyển đổi công năng KCN này, song do chưa phù hợp với thực tế nên đề án không thể triển khai.

Mới đây, đơn vị này đã đưa ra đề án mới để thực hiện việc di dời và chuyển đổi công năng KCN này. Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi Phan Đình Thám cho hay, thay đổi lớn nhất trong đề án lần này chính là việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất sau khi thực hiện di dời. Theo đó, trong cơ cấu sử dụng đất của đề án mới sẽ tăng diện tích đất hành chính và bổ sung thêm đất dành cho quốc phòng. Đồng thời giảm diện tích đất thương mại dịch vụ. Hiện tổng diện tích đất của KCN Biên Hòa 1 là 324 ha. Theo đề án mới, sẽ bổ sung gần 6 ha trong tổng diện tích nói trên cho mục đích quốc phòng - an ninh. Diện tích đất dành cho khu hành chính cũng có điều chỉnh tăng thêm gần 17 ha từ 2,7 ha lên hơn 19 ha. Điều này cũng khiến cho diện tích đất dành cho nhà ở và thương mại dịch vụ giảm xuống, trong đó giảm mạnh nhất là đất dành cho công trình thương mại dịch vụ từ 64 ha xuống còn hơn 49 ha.

 Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Theo ông Thám, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng đất nên tổng mức đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng, từ hơn 11.000 tỷ đồng lên hơn 15.000 tỷ đồng. “Do bổ sung thêm đất quốc phòng - an ninh  và tăng đất hành chính nên chi phí có tăng lên, suất đầu tư thương mại dịch vụ cũng tăng. Ngoài ra, do thời điểm thực hiện lùi lại rất nhiều so với đề án trước đây nên chi phí bồi thường để chuyển đổi các doanh nghiệp chuyển đi các KCN khác cũng tăng do mặt bằng thuê đất và chi phí quản lý tại các KCN khác tăng hơn rất nhiều so với đề án lần đầu”, ông Thám lý giải.

Về lộ trình thực hiện, theo đơn vị chủ trì, dự án sẽ kết thúc vào năm 2025 và được chia thành 3 giai đoạn thực hiện gồm: giai đoạn 1 từ 2018 - 2020, giai đoạn 2 từ 2021 - 2023 và giai đoạn cuối từ 2024 - 2025.

Thêm một điểm mới khác đáng chú ý so với đề án trước là việc sẽ thành lập một công ty cổ phần với sự tham gia của Tổng công ty Sonadezi và các đối tác chiến lược ngay từ giai đoạn đầu để thực hiện dự án. Đối với các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, nếu có nhu cầu sẽ được tham gia vào công ty cổ phần này ở giai đoạn sau. “Các công ty chuyển đổi tham gia vào giai đoạn sau góp vốn bằng tiền chứ không góp vốn bằng phần đất hay tài sản trên đất như trước”, ông Thám cho hay.

40% số doanh nghiệp không đồng ý di dời

Theo Tổng công ty Sonadezi, qua khảo sát 83 đơn vị đang ký hợp đồng tiếp tục thuê đất với Tổng công ty thì có 32 đơn vị, chiếm khoảng 40% không muốn di dời. Có 6 đơn vị thực hiện tự chuyển đổi và có mong muốn tham gia vào công ty cổ phần. Hiện nay có 18 doanh nghiệp đã thực hiện di dời nhưng vẫn duy trì cơ sở tại KCN Biên Hòa 1 để cho thuê lại đất.

Cần khảo sát lại thông tin doanh nghiệp

Đánh giá về đề án mới của Tổng công ty Sonadezi, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Cao Tiến Dũng cho rằng, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng đất nên buộc phải có sự điều chỉnh về quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, do đây là dự án có tổng vốn trên 5.000 tỷ đồng nên phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. “Theo Luật Đầu tư hiện không còn duyệt đề án nữa mà là đề xuất chủ trương đầu tư. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ngoài trình Thủ tướng phải trình Bộ KH-ĐT. Do đó, phải tổng hợp sâu sắc tất cả các nội dung mang tính khả thi để trình ra Bộ KH-ĐT thẩm định phê duyệt và trình Thủ tướng”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, nhiều năm qua dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 diễn ra rất chậm. Ngay cả đề án mới cũng chưa đáp ứng được yêu cầu do đơn vị chủ trì chưa đi vào “gốc” vấn đề là giải quyến vấn nạn ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, còn hàng loạt câu hỏi chưa được làm rõ. “Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đang thuê đất, những doanh nghiệp nào đã dự kiến di dời, họ đã có nơi di dời hay chưa, số lượng công nhân là bao nhiêu, cái khó của họ là gì. Đây là những cái đầu tiên phải làm thì chưa thấy cụ thể trong đề án”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.

Chính vì vậy, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tổng công ty Sonadezi, Ban quản lý các KCN và Sở KH-ĐT phải tiến hành khảo sát lại thông tin của các doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp hiện đang sản xuất gì, thời hạn thuê đất bao lâu, số lượng công nhân bao nhiêu, dự kiến di dời đi đâu… “Gốc của vấn đề là ô nhiễm môi trường nên phải di dời để làm thương mại dịch vụ chứ không phải mục tiêu là làm thương mại dịch vụ nhà ở. Cần phải khảo sát kỹ thông tin và có “tối hậu thư” thật rõ về thời hạn di dời để các doanh nghiệp chủ động. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng phải hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm địa điểm di dời. Trong 2 tuần nữa, phải có được những thông tin này”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Phải có phương án “tái định cư” rõ ràng cho doanh nghiệp

Theo Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trương Văn Vở, để nhanh chóng thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, phải có một phương án “tái định cư” rõ ràng cho các doanh nghiệp. Bởi cũng giống như giải phóng mặt bằng nhà dân làm dự án thì phải có tái định cư cho hộ dân còn ở đây doanh nghiệp phải rõ địa chỉ xây dựng nhà máy mới khi di dời. Theo ông Vở, ngoài việc phải khẩn trương thực hiện, cần có phương án “tái định cư” doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây