Phát triển kỹ thuật chuyên sâu về xương khớp

Chủ nhật - 18/03/2018 22:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa (BVÐK) Ðồng Nai và BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai đã triển khai và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình, góp phần cứu chữa nhiều ca bệnh xương khớp khó.​

Phục hồi tốt chức năng vận động

Dưới sự hướng dẫn của GS.BS. René D. Esser phụ trách Khoa Chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Polyclinique du Ternois (Pháp), các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai không chỉ học hỏi kinh nghiệm trong khám, sàng lọc mà còn thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về xương khớp.


GS. Rene (áo kẻ) đang khám bệnh cho bệnh nhân tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai.

Một trong những chuyên khoa sâu trong chấn thương - chỉnh hình đã thực hiện có hiệu quả là kỹ thuật vi phẫu, tạo hình. Những năm qua, các bác sĩ trong khoa đã nối thành công nhiều ca đứt lìa tay, chân giúp nhiều bệnh nhân phục hồi vận động. Trong đó có ca rất nặng như trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Diệu (20 tuổi, tạm trú ở ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) bị máy cưa gỗ cắt lìa tay phải đã được phẫu thuật và tập vật lý trị liệu giúp tay hồi phục được chức năng vận động, có thể làm việc nhẹ nhàng.

Cuối năm 2017 vừa qua, lần đầu tiên khoa đã thực hiện thành công kỹ thuật thay chỏm xương quay ở cẳng tay cho bệnh nhân Lưu Nguyệt Ánh (41 tuổi, ở thị xã Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp) bị hoại tử chỏm xương quay ở cẳng tay phải, đa chấn thương nặng ở tay sau tai nạn giao thông.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng gãy xương cẳng tay phải, bị giới hạn co gấp, xoay cẳng tay, giới hạn vận động, chỏm xương quay bị hoại tử. Qua thăm khám, cùng với sự phối hợp của GS.BS. René D.Esser, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng của bệnh viện đã tiến hành thay chỏm xương quay ở cẳng tay phải cho bệnh nhân. Các bác sĩ cắt bỏ phần hoại tử (chỏm xương quay) thay thế bằng một chỏm xương quay nhân tạo vừa với kích thước của bệnh nhân.

Theo GS.BS. René D.Esser, trường hợp bệnh nhân này bị hoại tử chỏm xương quay ở cẳng tay phải nên chỉ có phẫu thuật thay chỏm xương quay nhân tạo mới hồi phục được khả năng vận động của cánh tay. Ðây là kỹ thuật khó, chưa được nhiều bệnh viện triển khai ở Việt Nam vì đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, thực hiện phải tỉ mỉ, chính xác, chọn chỏm xương quay nhân tạo phải đúng kích cỡ mới không bị lệch, không gây cứng khớp, khó vận động cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, chỏm xương quay nhân tạo chưa có nhiều ở thị trường Việt Nam, GS.BS. René D.Esser phải trực tiếp mang từ Pháp về để thay cho bệnh nhân.

BS. Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện ở Ðồng Nai tiến hành thay thành công chỏm xương quay ở cẳng tay. Trường hợp này nếu bệnh nhân không được thay sẽ phải cắt bỏ phần chỏm xương quay hoặc phải kết hợp xương bằng nẹp và kim, do vậy sẽ hạn chế vận động của bệnh nhân rất nhiều về sau này.

Thay thành công một lúc 2 khớp háng nhân tạo

Tháng 12-2017, BVÐK Ðồng Nai lần đầu tiên thực hiện thành công thay một lúc 2 khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi 2 bên. Bệnh nhân là ông Phạm Quang Pha (47 tuổi, ngụ tại xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ). Sau 1 tuần phẫu thuật, ông Pha đã ngồi dậy và đang tập đi.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chân teo, gây đau đớn, đi lại không được trong thời gian dài. Qua chụp CT-scanner, các bác sĩ phát hiện 2 chỏm xương đùi của bệnh nhân đã hư hoàn toàn nên được chỉ định phẫu thuật thay 2 khớp háng nhân tạo để giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau. Ông Pha cho biết, trước đây ông đã điều trị nội khoa suốt 5 năm nhưng bệnh không thuyên giảm, đi lại ngày càng khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt. “Tôi mong rằng sau phẫu thuật bệnh thuyên giảm và tôi có thể đi lại dễ dàng hơn”, ông Pha nói.

BS. Lê Ngân, Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình BVÐK Ðồng Nai cho biết, thay 2 khớp háng cùng một lúc là một phẫu thuật khó đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm trong thay khớp. Ca mổ chỉ kéo dài trong vòng 90 phút để giảm thời gian mổ cho bệnh nhân, tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Không chỉ phẫu thuật thành công về kỹ thuật khớp háng, trong những năm qua Khoa Chấn thương - chỉnh hình của bệnh viện đã thực hiện nhiều ca thay khớp gối, trong đó có những trường hợp đã lớn tuổi. Thay khớp gối nhân tạo là một kỹ thuật cao đã được áp dụng trên thế giới từ 40 năm qua, tại Việt Nam kỹ thuật này được áp dụng tại một số bệnh viện lớn. Tuy nhiên bệnh viện tuyến tỉnh ít nơi làm được. Tại Ðồng Nai, việc áp dụng kỹ thuật này đã giúp cho bệnh nhân phục hồi chức năng vận động bình thường. Việc phát triển các kỹ thuật khó, chuyên sâu đã giúp cho bệnh nhân được điều trị tại nhà, không phải lên tuyến trên và đỡ tốn kém.

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây