Gỡ khó cho nghề gốm truyền thống

Thứ sáu - 02/03/2018 01:11
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Với chiều dài phát triển hàng trăm năm, nghề làm gốm ở Biên Hòa không chỉ có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế mà còn mang giá trị cao về văn hóa. Thế nhưng trong hơn mười năm trở lại đây do những khó khăn về thị trường, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như sự thiếu hụt về lao động, nghề gốm truyền thống đang phải đối mặt với không ít những thách thức khó khăn.​

Hơn một nửa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm đóng cửa

Nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa hình thành từ cuối thế kỷ XIX và đạt đỉnh cao vào đầu thế kỷ XX. Các sản phẩm gốm Biên Hòa đã từng được xuất sang gần 30 nước trên thế giới.

Làng gốm Biên Hòa hiện nay tập trung chủ yếu ở các phường như Bửu Hòa, Tân Vạn và xã Hóa An. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nghề gốm truyền thống phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến số lượng cơ sở sản xuất cũng như giá trị của mặt hàng này liên tục giảm sút.

Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2000, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 triệu USD/năm thì hiện nay chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở với doanh thu xuất khẩu đạt chưa đầy 1 triệu USD/năm.


Nghề gốm truyền thống Biên Hòa hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến nghề gốm truyền thống Biên Hòa gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua xuất phát từ sự yếu kém và chậm trễ khi thực hiện chính sách di dời các cơ sở sản xuất gốm vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

Theo đó từ năm 2003, tỉnh quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm vào cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường nên nhiều cơ sở không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất vì ngại sẽ sớm phải di dời. Tuy nhiên, phải mất 10 năm, TP. Biên Hòa mới hoàn thành hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. “Suốt 10 năm phải chờ đợi mà không biết được chừng nào hoàn thành để di dời khiến các doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất từ đó làm mất đi nhiều cơ hội tái cơ cấu. Trong thời gian này, hơn một nửa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm đã phải đóng cửa”, ông Khiềng cho biết.

Hiện nay, khi hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đã được hoàn thành thì các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn về thủ tục đất đai cũng như chi phí hỗ trợ khi di dời. Ngoài khó khăn về việc di dời địa điểm sản xuất, nghề gốm truyền thống còn phải đối mặt với những hạn chế về công nghệ sản xuất, thiếu lao động có tay nghề cao và bị cạnh tranh quyết liệt bởi các sản phẩm gốm giá rẻ của Trung Quốc. “Để đào tạo được một thợ gốm lành nghề phải mất từ 10 năm trở lên, tuy nhiên do thu nhập thấp nên hiện chẳng mấy người mặn mà học và theo nghề”, ông Hứa Mỹ Chiêu, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phong Sơn, khu phố 2, phường Tân Vạn chuyên sản xuất gốm đất đen cho biết.

29 cơ sở triển khai xây dựng tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên, tính đến cuối năm 2017, đã có 29 đơn vị triển khai đầu tư xây dựng trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Trong đó, có 13 đơn vị đã xây dựng xong nhà xưởng, 10 đơn vị đang xây dựng nhà xưởng, 2 đơn vị đã xây hàng rào và 4 đơn vị đã tiến hành san lấp mặt bằng. Ngoài ra, còn có 8 đơn vị đang triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để đầu tư xây dựng và di dời hoạt động sản xuất vào cụm.

Cần một “nhạc trưởng”

Trước thực trạng khó khăn hiện nay của nghề gốm truyền thống, ông Vòng Khiềng cho rằng, việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh là cần thiết và TP. Biên Hòa cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Khiềng, để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống không thể biến làng nghề truyền thống trở thành một khu công nghiệp nhỏ mà phải có một mô hình tổ chức phù hợp với bản chất làng nghề.

Từ đó, ông Khiềng đề xuất sau khi di dời cần thực hiện xây dựng theo mô hình “Làng nghề sản xuất gốm kết hợp văn hóa, du lịch”. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm cần hợp tác thành lập một công ty cổ phần hoặc xây dựng một hợp tác xã (thành viên là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh gốm trong cụm và đội ngũ nghệ nhân). “Công ty cổ phần hoặc hợp tác xã sẽ lo phần kinh doanh, thị trường, tiếp thị và thiết kế mẫu mã sản phẩm chung cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hay nói cách khác, tổ chức này là đầu mối sẽ lo đầu vào và đầu ra để các doanh nghiệp chú tâm vào sản xuất sản phẩm có chất lượng nhằm tăng sức cạnh tranh”, ông Khiềng phân tích.

Đối với các nghệ nhân, thợ giỏi hoạt động tự do, ông Khiềng cho biết, sẽ được tạo điều kiện tự nguyện hợp tác vào làm việc trong một xưởng sản xuất phù hợp. Điều này vừa giúp họ tiếp tục sáng tạo, giữ gìn tinh hoa các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa, làm ra những sản phẩm giá trị cao, thu nhập tốt; đồng thời sẽ là nơi những người thợ trẻ có thể học tập nâng cao tay nghề. “Xưởng sản xuất của các nghệ nhân này cũng sẽ là nơi tham quan cho du khách để phát triển du lịch”, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai chia sẻ thêm.

Tán đồng đề xuất phát triển bền vững nghề gốm truyền thống cần kết hợp sản xuất với du lịch, ông Vũ Đình Trung, Trưởng ban Tôn giáo dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, việc xây dựng điểm du lịch làng nghề sẽ mở ra thị trường tiêu thụ tại chỗ cho sản phẩm gốm truyền thống. “Khi đến tham quan doanh nghiệp sản xuất gốm, du khách có thể thấy không khí nhộn nhịp, tất bật của hoạt động sản xuất và sáng tạo nghệ thuật. Tại đây, du khách cũng có thể trải nghiệm tự tay làm cho mình những sản phẩm nghệ thuật. Hoạt động du lịch làng nghề cũng sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc “xuất khẩu tại chỗ” các mặt hàng làm từ gốm cho du khách. Do đó, việc gắn kết làng gốm với phát triển du lịch là một trong những giải pháp tích cực, là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa”, ông Trung cho hay.

Cần chuyên môn hóa công đoạn tạo hình cho toàn bộ chuỗi cung ứng gốm

Theo TS. Vũ Minh Tâm, giảng viên Viện đào tạo sau đại học Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hiện năng lực sản xuất của ngành gốm Đồng Nai đang khá thấp nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Nguyên nhân của tình trạng này là do công đoạn tạo hình sản phẩm (là khâu sản xuất chủ yếu của quy trình sản xuất gốm) còn nhiều hạn chế. Hầu hết các cơ sở sản xuất gốm Đồng Nai hiện sử dụng phổ biến 2 phương pháp tạo hình là rót và xoay. Phương thức này đòi hỏi mặt bằng rộng trong khi các cơ sở sản xuất hạn chế về mặt bằng dẫn đến năng suất giảm. Ngoài ra, 2 phương pháp này cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng thường giảm vào mùa mưa. TS. Vũ Minh Tâm đề xuất nên chuyên môn hóa công đoạn tạo hình sản phẩm theo hướng tập trung xây dựng một đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm tạo hình cho toàn bộ chuỗi cung ứng gốm mỹ nghệ của địa phương.

Lê Văn

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây