Ngoài phần thi cá nhân, Hội thi giáo viên Tổng phụ trách (TPT) Ðội giỏi cấp tỉnh lần này còn có thêm phần thi tập thể ở mỗi nội dung thi. Ðể chuẩn bị tốt cho phần thi tập thể, các giáo viên TPT Ðội của các đơn vị đã cùng nhau luyện tập, không kể ngày nghỉ để có thể phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn nhất.
Việc luyện tập tuy có phần vất vả nhưng đã giúp các giáo viên TPT Ðội ở các trường học trên địa bàn gắn bó với nhau hơn. Thông qua đó, các đơn vị học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức hoạt động Ðội ở trường học.
Không khí sôi nổi
Ngày 22-3, các giáo viên tham gia Hội thi giáo viên TPT Ðội giỏi bước vào phần thi năng khiếu và thực hành kỹ năng, nghiệp vụ công tác đội. Trong sân Trường đại học Ðồng Nai, từng tốp giáo viên miệt mài luyện tập. Các động tác: quay trái, quay phải, bước đều… được tập đi tập lại. Các nhóm giáo viên dùng tay không để dợt lại các bài trống. Nhiều giáo viên TPT Ðội dày dạn kinh nghiệm tuy không tham gia hội thi nhưng cũng có mặt để hỗ trợ, động viên các đồng nghiệp của mình. Không khí của hội thi nhờ đó mà rộn ràng, vui tươi nhưng cũng rất ấm áp, thân tình.
Các giáo viên TPT Đội đang tập luyện, chuẩn bị cho phần thi của mình.
Thầy Trần Vĩnh Phúc, giáo viên TPT Ðội Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP. Biên Hòa) chia sẻ: “Hội thi năm nay có thêm phần thi tập thể. Việc thi tập thể giúp gắn kết anh em TPT Ðội giữa các đơn vị với nhau, giúp chúng tôi học hỏi được các mô hình hoạt động hay hơn từ đơn vị bạn”.
Ðược biết, để chuẩn bị cho hội thi, các TPT Ðội đơn vị TP. Biên Hòa đã có hơn 2 tuần tập luyện. Thời gian tập luyện như vậy giúp cho các giáo viên làm TPT Ðội học hỏi được kinh nghiệm lẫn nhau. Theo đó, giáo viên trẻ mới vào nghề thì học hỏi được kinh nghiệm của những giáo viên lâu năm. Ngược lại, những giáo viên đã lớn tuổi có thể học được sức trẻ, sự năng động của các giáo viên trẻ. Kết hợp được hai yếu tố này không chỉ giúp cho cuộc thi thành công mà còn rất hữu ích trong việc tổ chức phong trào Ðội trong nhà trường.
Ông Ðào Ðức Trình, Phó Giám đốc Sở GD-ÐT, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Hội thi giáo viên TPT Ðội giỏi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần. Trước khi tổ chức cấp tỉnh, các Phòng GD-ÐT đã tổ chức thi cấp huyện, thị xã, thành phố (từ tháng 1 đến tháng 3-2018). Hội thi nhằm tuyển chọn, công nhận và tuyên dương các giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên làm TPT Ðội giỏi. Ðây là cơ hội để các giáo viên làm TPT Ðội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác Ðội và phong trào thanh thiếu nhi trong trường học. Ðây cũng là căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên làm TPT Ðội trên địa bàn tỉnh hiện nay. Từ đó, có định hướng xây dựng đội ngũ TPT Ðội của tỉnh ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới về giáo dục”.
Những người giàu lòng nhiệt huyết, đam mê
Tốt nghiệp ngành Nhạc - Họa, sau khi về Trường THCS Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) một năm, thầy Nguyễn Minh Thịnh được phân công làm giáo viên TPT Ðội. Ðến nay, thầy đã có thâm niên 17 năm trong nghề. Tuổi nghề của thầy Thịnh tuy nhiều nhưng vẫn còn là giáo viên trẻ so với nhiều “lão làng” của hội thi. Thầy Trần Xuân Ðĩnh (đơn vị huyện Xuân Lộc) là thí sinh lớn tuổi nhất hội thi. Ðược biết, chỉ 2 năm nữa thôi là thầy về hưu nhưng vẫn là một trong những TPT Ðội tràn đầy nhiệt huyết, được nhiều giáo viên TPT Ðội ở các trường học trong toàn tỉnh yêu mến, kính phục.
Thầy Thịnh cho rằng, người làm TPT Ðội trước hết phải yêu công việc của mình; gần gũi, quan tâm học sinh. Từ việc nắm bắt được tâm lý học sinh giúp cho người làm công tác Ðội đưa ra các hoạt động phù hợp với các em. Ngoài ra, giáo viên TPT Ðội phải luôn bồi dưỡng thêm kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc. “Giáo viên TPT Ðội phải làm tốt công tác tham mưu cho Ban giám hiệu trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào trong nhà trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải làm được công việc kết nối các lực lượng trong nhà trường với nhau, kết nối nhà trường với các tổ chức như: Hội cha mẹ học sinh, Ðoàn thanh niên và các tổ chức xã hội khác. Làm tốt công tác này, các hoạt động của Ðội sẽ được hỗ trợ rất nhiều”, thầy Thịnh chia sẻ.
Còn thầy Phúc thì cho rằng: “Ðiều quan trọng nhất để người làm công tác TPT Ðội có thể gắn bó được với công việc chính là phải có đam mê với nghề và tâm huyết với học sinh, phải có lòng “yêu nghề, mến trẻ”. Bởi chỉ khi thực sự thích công việc này thì giáo viên mới chịu mày mò, tìm hiểu và học hỏi những hoạt động hay, bổ ích để áp dụng vào hoạt động của trường mình. Thực tế, có nhiều thầy cô đã rất lớn tuổi nhưng vẫn rất hăng say, tràn đầy nhiệt huyết với công việc này. Ðối với học sinh, giáo viên TPT Ðội nên thể hiện, gần gũi như người anh, người chị của các em; tham gia các hoạt động cùng các em để các em có thể thoải mái chia sẻ, tâm sự với TPT. Từ đó có cơ sở đưa ra các hoạt động mang tính giáo dục phù hợp”.
H. An
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập