Những năm gần đây, ngành Y tế đã tập trung đầu tư cho y tế cơ sở. Nhiều trạm y tế được quan tâm xây dựng đầy đủ nhân lực, trang bị vật lực nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân địa phương.
Giúp dân chữa bệnh gần nhà
Từ khi Trạm y tế xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch xây dựng cơ sở mới vào năm 2007, trạm được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm màu, xe cứu thương, máy điện tim… Hiện nay, trung bình mỗi ngày trạm khám, điều trị cho 30 - 50 bệnh nhân. Người dân ở xã Phước Khánh và các xã lân cận cứ có bệnh là đến trạm trước. Chỉ khi bệnh phức tạp, cần theo dõi chuyên khoa, trạm không điều trị được, người bệnh mới đi lên tuyến trên. Ông Lê Văn Sỹ, người dân xã Phước Khánh chia sẻ: “Có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, chúng tôi đều đến trạm. Các bác sĩ rất nhiệt tình giúp đỡ”.
Nhiều năm trở lại đây, người dân ở xã Cẩm Đường, huyện Long Thành và các xã lân cận tìm đến Trạm y tế xã Cẩm Đường ngày càng đông. Trung bình mỗi ngày, trạm khám từ 70 - 80 bệnh nhân. Bà Nguyễn Thị Huyên (65 tuổi, ngụ ấp 1) cho hay: “Tôi bị bệnh huyết áp đã lâu, mỗi lần đến khám đều được bác sĩ tư vấn tận tình về bệnh, dặn dò cách ăn uống để duy trì huyết áp bình thường”. Ông Phan Quốc Khanh, 72 tuổi, ở ấp Suối Quýt chia sẻ: “Do tuổi cao nên chúng tôi đi lại khó khăn. Nhờ có trạm y tế, chúng tôi được chữa bệnh gần nhà”.
Theo chủ trương của Chính phủ, giai đoạn tới sẽ tập trung đầu tư cho y tế cơ sở, dự phòng. Trong ảnh: BS. Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế kiểm tra trang thiết bị của Trạm y tế thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú.
BS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng trạm y tế xã Cẩm Đường cho biết, xã cách trung tâm huyện Long Thành khoảng 20km. Vì vậy, người dân muốn ra bệnh viện khám là cả vấn đề, đặc biệt là người cao tuổi. Bởi vậy, để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh, trạm đã tham mưu cấp trên để được trang bị các máy móc, thiết bị như: máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm cơ bản, ghế nha khoa… nhằm giúp việc chẩn đoán bệnh được tốt hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nhân viên cũng được cử đi đào tạo chuyên môn qua các lớp học ngắn hạn như siêu âm, điện tim; đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn qua các lớp tập huấn, qua đồng nghiệp và tài liệu y khoa để làm tốt nhiệm vụ.
BS. Thủy nhấn mạnh, với những trường hợp bệnh ngoài khả năng chuyên môn của trạm sẽ được chuyển lên tuyến trên nhằm cứu chữa kịp thời, tránh xảy ra biến chứng do chuyển viện chậm. Ngoài việc thực hiện tốt khám chữa bệnh cho người dân, trạm luôn hoàn thành tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Trong đó công tác phòng, chống dịch bệnh rất được trạm coi trọng. Trạm luôn triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương cũng như giám sát, phát hiện, xử lý và báo cáo kịp thời các bệnh dịch truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế. Nhờ vậy, nhiều năm qua trên địa bàn không có dịch xảy ra.
Tại huyện Tân Phú, các trạm y tế xã luôn đông bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có từ 30 - 50 bệnh nhân/trạm y tế, trong đó có 3 trạm y tế xã khám đông nhất là: Nam Cát Tiên, Tà Lài, Phú Điền. Ở các trạm nói trên, có lúc số bệnh nhân đến khám lên đến 70 - 80 người/ngày. “Thời gian qua, những trạm xây mới cơ sở vật chất đã phát huy được vai trò của các trang thiết bị trong công tác khám, chữa bệnh. Dù lượng bệnh nhân đến trạm không tăng nhiều do dân số ổn định, nhưng trạm mới xây dựng có đủ phòng chức năng, sạch sẽ nên số người chuyển lên tuyến trên khám các bệnh thông thường cũng ít hơn”, BS. Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú chia sẻ.
Quan tâm nâng cao tay nghề
BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, các trạm y tế xã đã đáp ứng được những điều kiện thiết yếu cho người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Về nhân lực, tại hầu hết các trạm đều có bác sĩ. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục nâng cao trình độ của các bác sĩ tuyến trạm qua đào tạo cập nhật kiến thức về siêu âm, điện tim. Đặc biệt, sau khi sáp nhập các trạm và trung tâm y tế, các bác sĩ tuyến trạm và trung tâm y tế đã luân phiên làm việc để nâng cao tay nghề.
Đưa bác sĩ trẻ về trạm
Trước đây, Trạm y tế xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) không có bác sĩ. Trung tâm y tế phải cử luân phiên bác sĩ xuống làm việc tại trạm, vì vậy, người dân đến trạm y tế không nhiều. Từ năm 2014, bác sĩ trẻ Lê Thị Yến (sinh năm 1989) về làm việc tại trạm sau khi học chương trình đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng. BS. Yến tâm sự: “Thời gian đầu về làm việc, tôi cũng hơi buồn vì trạm còn thiếu đủ thứ, kể cả bệnh nhân. Người dân cũng chưa thực sự tin tưởng trạm nên rất ít người đến khám bệnh. Nhưng tôi nghĩ, làm ở đâu cũng vậy, đều phải có sự nhiệt huyết. Từ đó, tôi tự động viên mình cần cố gắng”.
Đến nay, người dân tại xã nhà đến trạm khám bệnh ngày càng nhiều hơn, từ 30 - 50 bệnh nhân/ngày. Trạm được trang bị một số thiết bị cơ bản: máy đo đường huyết, máy xét nghiệm huyết học, máy đo nước tiểu… chưa có máy siêu âm, X-quang. “Nhu cầu về khám, chữa bệnh của người dân tại xã ngày càng cao. Máy móc chưa được trang bị đủ nhưng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tư vấn cho họ. Nhờ vậy, người dân đến trạm ngày càng đông hơn”, BS. Yến nói.
Theo BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế, các bác sĩ theo học chương trình đào tạo chính quy y, dược theo địa chỉ sử dụng đều được đào tạo khá bài bản. Trong những năm tới, Sở Y tế sẽ đưa các bác sĩ này về BVĐK Đồng Nai, Thống Nhất thực hành 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề. Sau đó, Sở sẽ bố trí họ về các trung tâm y tế, trạm y tế theo như cam kết ban đầu.
Nâng cấp hệ thống y tế cơ sở
BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế đánh giá, các cơ sở y tế (trạm y tế và trung tâm y tế huyện) đã góp phần rất lớn trong việc khám, chữa bệnh của người dân. Các trạm y tế xã, đa số đã được sửa chữa, nâng cấp và xây mới. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Phú còn có 7 trạm y tế đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ bệnh nhân. Trong đó có Trạm y tế xã Phú Bình được xây dựng cách đây đã gần 40 năm. Vào mùa mưa, có khi trạm bị ngập tới hơn 1 giờ nước mới rút và gây khó khăn không ít trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm chủng tại một trạm y tế.
Theo BS. Hoàn, trong năm nay, 9 trạm y tế được tiếp tục xây mới; bổ sung trang thiết bị cho 34 trạm y tế đã được xây dựng trong năm qua nhưng chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế. Sở Y tế đang rà soát lại tình hình sử dụng trang thiết bị y tế của các trạm để đầu tư có hiệu quả cho từng trạm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. “Việc đầu tư xây dựng các trạm y tế sẽ dựa vào tình hình thực tế của từng trạm, từng vùng. Trong đó, ngành Y tế ưu tiên tập trung đầu tư cho các trạm y tế vùng sâu, xa, các trung tâm y tế, BV của tuyến huyện, tỉnh”, BS. Hoàn nhấn mạnh.
BS. Phan Huy Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, trước đây, người dân chỉ đi khám, chữa bệnh khi có bệnh. Vì vậy, tuyến điều trị (các BV) luôn quá tải và “phình to” ra. Nhưng điều kiện xã hội hiện nay đã khác, người dân sẽ chú trọng hơn công tác phòng bệnh, ngừa bệnh. “Muốn phòng bệnh tốt phải phụ thuộc vào tuyến cơ sở. Như vậy, các trạm y tế phải đủ mạnh về nhân lực, vật lực”, BS. Vũ nhấn mạnh.
Ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương. Trong kế hoạch này, ngành Y tế nhấn mạnh về y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế. Theo đó, việc thu hút bác sĩ về trạm với nhiều ưu đãi như cấp đất, xây nhà; cho bác sĩ sử dụng cơ sở của trạm y tế để khám, chữa bệnh ngoài giờ…“Phải có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các bác sĩ tuyến trạm để bác sĩ giỏi về làm việc. Sau đó, ngành Y tế phải trang bị chuyên sâu hơn về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Từ đó, người dân sẽ yên tâm đến trạm chăm sóc y tế ban đầu, giảm tải rất lớn cho các trung tâm y tế, BV”, BS. Vũ nêu ý kiến.
Y tế cơ sở là nền tảng
Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhấn mạnh: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Theo đó, giai đoạn đến 2030, ưu tiên tập trung ngân sách Nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập