Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 76.000 trường hợp đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội (BTXH) thường xuyên, gần 2.000 đối tượng BTXH không nơi nương tựa đang được 17 cơ sở bảo trợ trong và ngoài công lập nuôi dưỡng, giúp đỡ. Gần 500 cán bộ, viên chức, người lao động, nhân viên công tác xã hội cung cấp dịch vụ cho các nhóm đối tượng trên, kịp thời trợ cấp đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ họ vươn lên ổn định cuộc sống.
Những “mái nhà thân thương”
Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật (Sở LĐ-TBXH) hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 56 trẻ mồ côi khuyết tật, trong đó có 23 trẻ phải chăm sóc đặc biệt. Trung bình mỗi năm, trung tâm tiếp nhận từ 5 - 8 trẻ khuyết tật bị bỏ rơi tại các bệnh viện hoặc đường phố đưa về chăm sóc, giáo dục. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Hiệp cho biết: “Chăm sóc trẻ đã khó, chăm sóc trẻ khuyết tật, bị bệnh bẩm sinh khó hơn nhiều nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ nhân viên phải tận tâm, tận lực, thương yêu trẻ như chính những người thân trong gia đình của mình. Bởi phần lớn trẻ em trong trung tâm bị bại não, nhiều em không có khả năng tự ăn uống, vệ sinh nên các cô, các chị phải nỗ lực chăm sóc kịp thời, chu đáo cho các cháu về mọi mặt”. Cũng giống như nhiều Trung tâm xã hội khác, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật tỉnh mong muốn có nhiều lớp tập huấn chuyên môn về công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để công tác này ngày càng tốt hơn.
Đỗ Thị Huỳnh Trâm hướng dẫn các em Cô nhi viện Hoa Mai tham quan khu triển lãm ảnh Ngày Công tác xã hội.
Là một trẻ lớn lên tại Cô nhi viện Hoa Mai (huyện Long Thành), Đỗ Thị Huỳnh Trâm sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã về lại “mái nhà thân thương” để mong góp sức giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh giống mình. Để nâng cao trình độ, có đủ khả năng đảm nhiệm công việc tại Cô nhi viện, Trâm vừa làm, vừa tham gia thông dịch tiếng Pháp mỗi khi có các bạn tình nguyện của Pháp sang giúp đỡ Cô nhi viện Hoa Mai và tiếp tục theo học Đại học chuyên ngành Công tác xã hội tại TP. Hồ Chí Minh. Sự nỗ lực vươn lên của Trâm chính là tấm gương để nhiều bạn trẻ có chung hoàn cảnh học tập và noi theo. Đến nay, Cô nhi viện Hoa Mai tạo điều kiện cho trên 80 trẻ em mồ côi, lang thang được nuôi dưỡng, đi học và trưởng thành trong cuộc sống. Hiện cô nhi có 50 em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục với sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm trong cộng đồng.
Nhiều cơ sở cũng làm tốt công tác xã hội như: Mái ấm tình thương Phúc Lâm (huyện Long Thành); Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ bị bỏ rơi; Cô nhi viện Thiên Bình.... Họ đang chăm sóc hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Họ đang nỗ lực để mang lại cuộc sống hạnh phúc trong “mái nhà chung” cho những hoàn cảnh thiếu may mắn. Bởi trong họ luôn suy nghĩ “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó, đặc biệt là góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25-3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Theo đó, Ngày Công tác xã hội Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân...
Tôn vinh giá trị nhân văn cao quý
Thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em và các chính sách có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH. Bên cạnh đó, hướng dẫn các đơn vị BTXH tổ chức nhiều hoạt động vận động, quyên góp, hỗ trợ có điều kiện chăm lo cho các đối tượng xã hội trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho rằng, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Công tác xã hội nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn cao quý, động viên, kêu gọi toàn thể cộng đồng, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng vào cuộc hỗ trợ người khó khăn, khuyết tật, trẻ em đặc biệt, người già neo đơn không nơi nương tựa... theo tinh thần Quyết định 1791/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác BTXH, hiện tỉnh đã đào tạo một lớp Cử nhân Công tác xã hội cho 65 học viên là cán bộ đang làm việc ở các trung tâm, các phường, xã nhằm bổ sung, kiện toàn đội ngũ làm công tác xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh có nhiều biện pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội, ban hành các kế hoạch triển khai chương trình, đề án của Chính phủ về BTXH cho người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, lang thang, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đến nay, từ nguồn ngân sách của tỉnh đã có 298,2 ngàn lượt đối tượng xã hội được hưởng bảo trợ hằng tháng với số tiền hơn 954 tỷ đồng cùng các cơ sở ngoài công lập chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều trường hợp với số tiền hàng tỷ đồng, góp phần đảm bảo trợ giúp 100% diện BTXH trên địa bàn.
Huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác xã hội
Sáng 22-3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25-3). Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết, ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1791 lấy ngày 25-3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” để ghi nhận vai trò to lớn của nghề Công tác xã hội trong đời sống dân sinh Việt Nam. Ngày Công tác xã hội còn là dịp tôn vinh vai trò, đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc huy động các nguồn lực thực hiện công tác xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.
Hà Anh
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập