​Những bác sĩ gần dân

Thứ ba - 01/03/2016 08:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
Trong khi có không ít bác sĩ trẻ ngại làm việc ở vùng sâu, vùng xa vì cơ sở vật chất, trang thiết bị không bằng các bệnh viện ở tỉnh, thì tại các bệnh viện đa khoa khu vực hay bệnh viện tuyến huyện vẫn có không ít bác sĩ giỏi, có tay nghề cao, hàng ngày vẫn mang hết tâm huyết khám, chữa bệnh cho người dân.
 
​Bác sĩ Phan Văn Ở, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh hỏi thăm bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: N.THƯ
 
Dù đã nghỉ hưu được hơn 3 năm, nhưng hàng ngày bác sĩ Nguyễn Thị Vang vẫn đến làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom. Phòng khám nội của bệnh viện, nơi bác sĩ Vang khám bao giờ cũng đông bệnh nhân nhưng khá trật tự vì mọi người đều mong muốn được bác sĩ Vang khám bệnh. Theo lãnh đạo bệnh viện, ngày bác sĩ Vang nghỉ hưu, nhiều bệnh nhân đã kiến nghị bệnh viện tiếp tục đề nghị bác sĩ Vang ở lại để chữa bệnh cho họ không chỉ vì bác sĩ chữa bệnh “mát tay”, mà còn luôn gần gũi, quan tâm đến bệnh nhân.
 
Tận tụy với bệnh nhân
Bà Trần Thị Liền ở xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) cho biết nhiều năm nay bà được bác sĩ Vang chữa bệnh đái tháo đường nên bệnh khá ổn. Lần nào đến khám bác sĩ cũng hỏi han bệnh tình rất kỹ. Bà xúc động nhất khi bác sĩ còn nhớ chính xác bà bị kháng thuốc gì, lần nào bác sĩ cũng dặn dò uống thuốc đúng giờ, tái khám đúng lịch hẹn nên bà rất yên tâm khi chữa bệnh tại đây. Bác sĩ Vang cho biết, còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục cống hiến. Vì suốt hơn 35 năm nay bác sĩ đã xem bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân nên luôn lắng nghe và thấu hiểu với đau đớn, bệnh tật và cả bi quan của họ khi mắc các bệnh mãn tính, từ đó tư vấn, hướng dẫn họ yên tâm điều trị và lạc quan hơn trong cuộc sống.
Tương tự, ở huyện miền núi Tân Phú, nhiều bệnh nhân cũng bày tỏ sự quý mến đối với nữ bác sĩ Phạm Trương Khánh Giang, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa hệ chính quy Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Giang đã từng từ bỏ nhiều lời mời hấp dẫn của nhiều bệnh viện lớn để về công tác tại quê nhà, bởi tâm niệm: “Đã học ngành y thì ở đâu cũng phục vụ, đâu nhất thiết phải về thành phố, về quê để giúp đỡ bà con miền núi mình còn khó khăn”.
Bác sĩ Giang chia sẻ, cách giao tiếp, ứng xử trong công việc rất quan trọng. Làm sao phải lễ phép, nhẹ nhàng, quan tâm đến bệnh nhân từ những điều nhỏ nhặt nhất, như: hôm qua anh/chị bị bệnh mệt như vậy ngủ có ngon không? Hiện thấy khó chịu ở đâu? Với bác sĩ Giang, chữa bệnh không chỉ có thuốc mà phải quan tâm đến tinh thần người bệnh thì mới điều trị thành công.
Trong những năm gần đây, các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa khu vực cũng đã cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng, như: vết thương thấu tim, thủng ngực, chấn thương sọ não, đa chấn thương do tai nạn giao thông... Nhiều ca bệnh khó đã gắn liền với tên tuổi của một số bác sĩ trẻ, có năng lực. Một trong số đó là bác sĩ Phan Văn Ở -  “bàn tay vàng” về ngoại khoa ở Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Anh còn được đồng nghiệp đánh giá là một tấm gương về sự tận tụy với nghề, tận tâm với bệnh nhân. Bất cứ ca cấp cứu trong đêm hay ngoài giờ nếu bệnh viện cần sự hỗ trợ là bác sĩ Ở luôn có mặt kịp thời; sau các ca phẫu thuật, bác sĩ Ở còn theo dõi và quan tâm hỏi han bệnh nhân cặn kẽ.
 
 
Không ngừng học hỏi vì bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Văn Hựu cũng được xem là “bàn tay vàng” về ngoại khoa của Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán. Anh và ê kíp bác sĩ của khoa ngoại đã nhiều lần được ngành y tế khen thưởng đột xuất khi cứu sống nhiều ca đâm thủng tim, đa chấn thương do tai nạn giao thông. Để làm được điều này, bác sĩ Hựu đã có quá trình học hỏi không ngừng. Ý thức được đặc điểm bệnh viện đa khoa khu vực chậm tiếp xúc kỹ thuật cao hơn các bệnh viện của tỉnh nên bác sĩ Hựu không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp và các lớp học nâng cao, hay chương trình tập huấn chuyên môn. Bác sĩ Hựu tâm sự, phải cố gắng học để cấp cứu được những ca khó, vì những ca này nếu phải chuyển lên tuyến trên sẽ khó qua khỏi do tính mạng bệnh nhân tính theo phút, theo giây, trong khi đường chuyển viện gần cả trăm cây số.
Đối với các bác sĩ ở tuyến huyện, việc học hỏi nâng cao tay nghề là điều rất quan trọng. Vì không học sẽ tụt hậu, hiệu quả chữa trị không cao. Bác sĩ Nguyễn Thị Vang dù đã nghỉ hưu hơn 3 năm vẫn xung phong tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên môn để cập nhật kiến thức và học hỏi kinh nghiệm để điều trị bệnh nhân tốt hơn. Theo bác sĩ Vang, bệnh viện tuyến huyện là tuyến đầu nên có nhiều mặt bệnh rất đa dạng. Nếu chịu khó vừa làm vừa học, bác sĩ có thể nhận ra và chữa được nhiều bệnh, cái gì chưa biết thì đọc sách, hỏi đồng nghiệp.
Chính vì vậy, bác sĩ tuyến huyện thường khá đa tài, không phải vì họ tham công tiếc việc mà vì nhân sự của bệnh viện thiếu. “Cách đây hơn 10 năm, mỗi ca trực đêm ở bệnh viện chỉ có một bác sĩ. Máy siêu âm không biết sử dụng, nên phải để bệnh nhân nằm theo dõi đến sáng mai mới được siêu âm. Vì vậy, tôi phải đăng ký đi học siêu âm để người dân được chẩn đoán bệnh, điều trị khỏi bệnh sớm hơn” - bác sĩ Phạm Trương Khánh Giang nói.
 
'Để các bác sĩ giỏi gắn bó với cơ sở còn có vai trò quan trọng của lãnh đạo của các bệnh viện, họ đã giữ chân các bác sĩ không chỉ bằng chế độ thu hút, đãi ngộ, tạo điều kiện cho đi học mà còn bằng cả cái tình. Bác sĩ Phan Văn Ở, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ chính môi trường làm việc thân thiện, giúp đỡ nhau như anh em một nhà là điều kiện quan trọng nhất giúp mọi người gắn bó lâu dài với bệnh viện.'
 Ngọc Thư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

72,377

Tổng lượt truy cập

555,850,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây