Góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, thời gian qua công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, từng bước thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác, tổ chức quốc tế, nhân dân trong khu vực và thế giới. Với sự chủ động, tích cực của Sở Ngoại vụ và các cấp, ngành, công tác đối ngoại đã đạt được những kết quả khả quan trong xu thế mở rộng hợp tác quốc tế.
Chú trọng hợp tác kinh tế đối ngoại
Năm qua, cùng với cả nước, Đồng Nai đã có sự chuẩn bị tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác đối ngoại nhân dân, chuẩn bị bước vào hội nhập sâu rộng. Việt Nam chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Liên minh châu Âu (EU), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là thành viên của Cộng đồng ASEAN. Điều này mở ra cơ hội lớn cho sự hợp tác quốc tế, nhất là xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của cả nước, trong đó có Đồng Nai. Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu trong triển khai hoạt động kinh tế đối ngoại, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang có bước tăng trưởng đáng kể với những tín hiệu tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2016. Theo đó, trong hai tháng đầu năm nay, Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Phương Lan, thời gian qua, công tác đối ngoại của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan từ sự phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Công tác văn hóa, lễ tân đối ngoại cũng được tích cực triển khai. Hằng năm, tỉnh chủ động tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư thương mại tại nước ngoài và các hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài tại tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức đối ngoại nhằm chuẩn bị nguồn lực phục vụ hội nhập quốc tế. Đến nay, tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác với 31 đối tác nước ngoài thuộc 10 quốc gia, vùng, lãnh thổ, trong đó có 20 đối tác ký kết quan hệ hợp tác cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh đã ký kết thành công 2 bản thỏa thuận với các đối tác nước ngoài. Nổi bật như: ký kết thỏa thuận khung với Cục Kinh tế - thương mại vùng Kansai (Nhật Bản) về hợp tác phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và hợp tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực; ký kết văn kiện hợp tác với bang Arkansas (Hoa Kỳ) về hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên thâm nhập thị trường.
Cắt băng khánh thành nhà đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Định Quán
Trong chuyến thăm và làm việc tại Đồng Nai mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác đối ngoại nhân dân, nhất là các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chủ động, sáng tạo đề xuất kế hoạch, chương trình mở rộng đối ngoại trên các lĩnh vực, thắt chặt quan hệ với các đối tác, tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đón nhận cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, thu hút doanh nghiệp FDI tham gia đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển đi đôi với cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư.
Tăng cường ngoại giao nhân dân
Trong năm qua, công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trong công tác phối hợp phát huy hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại nhân dân. Trong đó, công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) bước đầu có sự chuyển biến tích cực so với năm trước. Các chương trình, dự án viện trợ PCPNN bắt đầu có sự phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh. Theo đó, trong năm 2015, đã có 31 tổ chức PCPNN thực hiện các chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các dự án được thực hiện trên các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục, môi trường với các tổ chức PCPNN chủ yếu đến từ các quốc gia như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Úc...
Có thể kể đến những dự án được triển khai khá hiệu quả trong thời gian vừa qua như: dự án xây dựng nhà đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Định Quán sử dụng nguồn viện trợ của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc trực thuộc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (ACEF). Tính đến nay, từ dự án này đã có 40 căn nhà được trao tặng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn với tổng giá trị trên 2,8 tỷ đồng. Hay dự án mua sắm trang thiết bị và sửa chữa phân trạm y tế ấp 9 tại xã Gia Canh do tổ chức Les Enfants du Dragon thuộc Hiệp hội Phi chính phủ Pháp tài trợ với tổng giá trị hơn 114 triệu đồng. Nhờ đó, chất lượng phân trạm y tế đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ngoài ra, dự án Quỹ học bổng tín dụng cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng do Tập đoàn Mabuchi tài trợ có tổng kinh phí 1 tỷ đồng đã tạo động lực, hỗ trợ kịp thời 100 sinh viên vượt khó vươn lên học tập. Bên cạnh đó, các khoản viện trợ PCPNN cũng được tích cực vân động dưới nhiều hình thức như: học bổng, trao tặng xe đạp, quạt điện, thiết bị lọc nước, quần áo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Theo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 14 chương trình, dự án và 11 khoản viện trợ phi dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ với tổng giá trị vốn đăng ký trên 25 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 19,8 tỷ đồng. Trong đó, Liên hiệp đã trực tiếp vận động 3 chương trình và 8 khoản viện trợ với tổng giá trị hơn 6,2 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bùi Ngọc Thanh, tuy đạt được nhiều kết quả thiết thực, song công tác PCPNN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Liên hiệp được thành lập chưa lâu, do đó công tác tổ chức xúc tiến vận động và thiết lập quan hệ với các tổ chức PCPNN vẫn gặp khó. Bên cạnh đó, một số án của địa phương kêu gọi vận động với giá trị lớn, một số tổ chức PCPNN yêu cầu phải có vốn đối ứng của địa phương. Mặt khác vẫn còn có địa phương chưa “mặn mà” trong phối hợp triển khai dự án, chưa nhận thức được ý nghĩa của nguồn viện trợ PCPNN mang lại. Trong năm 2016, Liên hiệp tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức PCPNN, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương nhằm triển khai các dự án một cách hiệu quả, kịp thời hỗ trợ đối với người dân đặc biệt ở những nơi còn khó khăn.
Lê Phương