Nhân chuyến làm việc tại Đồng Nai, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã có cuộc trao đổi đánh giá về kết quả hoạt động Công đoàn Đồng Nai trong năm qua và định hướng giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng
* P.V: Thưa ông, năm qua Công đoàn Ðồng Nai được Tổng LÐLÐ Việt Nam đánh giá là có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, theo ông đâu là kết quả nổi bật mà Công đoàn Ðồng Nai đã làm được?
- Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Ðặng Ngọc Tùng: Ðồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp thu hút đông công nhân lao động (CNLÐ), trong đó, có nhiều lao động từ các tỉnh khác về đây làm việc. Trong những năm qua, hoạt động của LÐLÐ tỉnh Ðồng Nai có nhiều khởi sắc. Ban Thường vụ LÐLÐ tỉnh đã triển khai tốt chủ trương của Tỉnh ủy Ðồng Nai và Ðoàn chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðồng Nai nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2015.
Riêng về hoạt động Công đoàn, phải nói rằng tổ chức Công đoàn Ðồng Nai đã hướng về cơ sở nhiều hơn, tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực với đời sống của CNLÐ. Trong đó, rất chú trọng đến việc vận động người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho người lao động. Trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLÐTT), Công đoàn Ðồng Nai cũng đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế trong hoạt động như mức thu đoàn phí Công đoàn của Ðồng Nai đang thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; thu kinh phí Công đoàn trong khu vực chưa có tổ chức Công đoàn còn hạn chế.
* P.V: Một nội dung quan trọng mà Công đoàn Ðồng Nai đã đẩy mạnh thực hiện trong năm qua là việc nâng cao chất lượng thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLÐTT trong doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động này, thưa ông?
- Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Ðặng Ngọc Tùng: Việc tăng cường đối thoại tại nơi làm việc và việc tổ chức Công đoàn bàn bạc, thương thảo cùng với người sử dụng lao động ký TƯLÐTT là những điều rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thời gian qua, LÐLÐ Ðồng Nai cũng đã đào tạo được đội ngũ cán bộ có những kỹ năng để thương thảo, đối thoại với người sử dụng lao động nhưng đâu đó vẫn còn những hạn chế chứ không phải là tất cả đều đã tốt. Tại nhiều doanh nghiệp, chủ tịch Công đoàn cơ sở (CÐCS) thương thảo rất tốt, ký được những TƯLÐTT với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng có những chủ tịch CÐCS năng lực còn những hạn chế nhất định, chưa mạnh dạn đối thoại, chưa thương thảo và chưa đòi được những quyền lợi cơ bản nhất của người lao động. Ðó cũng là một trong những nguyên nhân để xảy ra tranh chấp lao động.
Ví dụ như vừa rồi tranh chấp lao động xảy ra ở Công ty Pouchen. Ðầu năm 2016, Nghị định 122/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực thì bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện. Lúc này, doanh nghiệp lại tính toán áp dụng biện pháp quản lý mới làm cho người lao động phản ứng, đây là một hình thức chưa chấp nhận được. Lẽ ra khi đưa biện pháp quản lý mới, doanh nghiệp phải bàn bạc với tổ chức Công đoàn. Khi Công đoàn chưa đồng tình thì doanh nghiệp vẫn cứ áp dụng, tức là doanh nghiệp không nghe ý kiến của Chủ tịch CÐCS, do đó mới xảy ra tình trạng tranh chấp lao động. Theo tôi giám đốc doanh nghiệp “khôn” là cần phải tôn trọng ý kiến của tổ chức Công đoàn và phải bàn bạc thật cụ thể với tổ chức Công đoàn. Và đặc biệt là cần phải tăng cường công tác đối thoại. Việc làm này chỉ có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp mà thôi. Qua tranh chấp lao động tại Công ty Pouchen tôi thấy kinh nghiệm để tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn Ðồng Nai nói riêng và cả nước nói chung rút ra là cần phải tôn trọng người lao động; phải tăng cường đối thoại cùng với người lao động và thương lượng để ký TƯLÐTT cho tốt. Ðó cũng là cách cần thiết để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
* P.V: Thưa ông, năm 2016 được Tổng LÐLÐ Việt Nam xác định là năm phát triển đoàn viên, đây cũng là năm chuẩn bị bước vào hội nhập sâu rộng, tổ chức Công đoàn nói chung và Công đoàn Ðồng Nai nói riêng cần tập trung vào giải pháp nào để thu hút đoàn viên, phát triển tổ chức?
- Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Ðặng Ngọc Tùng: Năm 2016 Tổng LÐLÐ Việt Nam xác định là năm phát triển đoàn viên và để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra thì Tổng Liên đoàn lại đặt nhiệm vụ thực hiện chức năng chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi của người lao động lên trên hết. Hoạt động của tổ chức Công đoàn bảo vệ thật tốt quyền lợi của người lao động, từ đó việc phát triển đoàn viên mới đạt yêu cầu. Do đó, Nghị quyết đầu năm 2016 của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã nêu rõ nội dung quan trọng là quan tâm chăm lo bữa ăn giữa ca của người lao động. Theo đó, trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, tổ chức Công đoàn phải thương thảo với người sử dụng lao động để làm sao bữa ăn giữa ca của người lao động phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động. Trong đó khuyến khích thương lượng nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca với mức tối thiểu phải đạt được 15.000 đồng/bữa ăn. Trên địa bàn Ðồng Nai, nếu doanh nghiệp nào còn chi cho suất ăn giữa ca dưới 15.000 đồng thì Công đoàn phải thương lượng với doanh nghiệp để thực hiện đạt mức từ 15.000 đồng trở lên. Nếu thương lượng không được thì Công đoàn tổ chức đình công theo đúng quy trình, phương pháp để đòi cho được. Doanh nghiệp nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể thì Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp đó. Nhân đây, chúng tôi đề nghị với tất cả giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, vì quyền lợi chung của sự phát triển đất nước nói chung và vì sự phát triển của doanh nghiệp, hãy cùng tổ chức Công đoàn chăm lo tốt cho người lao động. Trước hết là lo bữa ăn cho người lao động thật tốt để người lao động bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động và làm việc tốt trong doanh nghiệp.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Bích