Năm 2016 được xác định là năm đẩy mạnh khởi nghiệp. Điều đó đang cần sự linh hoạt, sáng tạo trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của các ban, ngành và nhất là các địa phương. Ghi nhận từ huyện Trảng Bom, địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong nhiều năm qua.
Hội nhập - trước hết phải từ doanh nghiệp
Công ty cơ khí Anh Nghĩa là một trong hàng chục doanh nghiệp cơ khí hoạt động trên địa bàn huyện Trảng Bom. Thành lập từ năm 2006, do có những đối tác lớn, truyền thống là các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn huyện, cùng với việc quản lý khoa học nên doanh nghiệp phát triển khá tốt, tăng trưởng hằng năm đều ở mức 20%.
Năm 2015, Anh Nghĩa đạt doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Tính ra sau 10 năm thành lập, đến nay công ty đã mở rộng mặt bằng sản xuất lần thứ ba và sắp tới có thể phải tiếp tục mở rộng nữa. Hiện công ty có mối quan hệ làm ăn với nhiều doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai chuyên sản xuất linh kiện ô tô, xe máy và các doanh nghiệp ngành gia công liên quan đến kim loại. Giám đốc công ty Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng, có được cơ ngơi và quy mô như hiện nay là do đơn vị luôn đặc biệt coi trọng và giữ chữ tín với khách hàng. “Do giữ được chất lượng, gia công ít bị lỗi và thời gian bảo đảm nên đơn vị chúng tôi luôn có đơn hàng thường xuyên dù trong những giai đoạn khó khăn nhất”, ông Nghĩa nói.
Nếu Công ty cơ khí Anh Nghĩa thành công khi liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp FDI sản xuất cơ khí trên địa bàn thì Công ty CP Việt Nông Lâm ở xã Tây Hòa là đối tác tin cậy của nông dân trong vùng để thu gom nguồn nguyên liệu phế phẩm trong nông nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nông Lâm Hồ Sáu bên vườn bắp làm thức ăn cho bò
Từ ý tưởng cung cấp thức ăn gia súc (TĂGS) cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Việt Nông Lâm là doanh nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai nghiên cứu, chế biến TĂGS từ nguyên liệu chính là cây bắp tươi. Cây bắp tươi được công ty hợp đồng với nông dân trong và ngoài tỉnh thu gom về xưởng. Sau khi xay nhuyễn, qua công thức lên men, TĂGS thành phẩm sẽ được đóng gói, ép chân không, thời gian sử dụng là 6 tháng. Việc chế biến TĂGS theo cách này đã giúp Công ty Việt Nông Lâm nhanh chóng đạt hiệu quả kinh tế cao và có uy tín ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. “Mỗi tháng, Công ty Việt Nông Lâm chế biến từ 3.500 - 5.000 tấn TĂGS. 80% sản lượng được xuất khẩu với giá 115 USD/tấn. Hiện công ty đang mở rộng thị trường nội địa, cung cấp cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu bò từ Úc”, ông Hồ Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nông Lâm phấn khởi cho biết.
Theo thống kê đến cuối năm 2015, huyện Trảng Bom có trên 500 DNNVV, trong đó 200 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp với các ngành phổ biến như: chế biến gỗ, các nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát, cơ khí chế tạo; 300 doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành thương mại, dịch vụ, kinh doanh xăng dầu, các chi nhánh, văn phòng đại diện...
Chính quyền địa phương với vai trò hoàn thiện môi trường đầu tư
Theo chủ trương chung của tỉnh, về lâu dài tại các địa phương, trong đó có huyện Trảng Bom, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ không được phép hoạt động trong khu dân cư mà phải từng bước di dời sản xuất vào các KCN, cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, với nhiều DNNVV, để có thể tồn tại đã là khó, việc đầu tư vào các KCN là ngoài tầm tay bởi không thể chịu nổi chi phí thuê đất, phí hạ tầng ở các KCN. Trong khi đó, chưa có CCN nào ở huyện được định hình. Cũng chính vì vậy, lâu nay có tình trạng khá nhiều doanh nghiệp “vận dụng” Quyết định 26/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai về quy định thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng công trình ở những phần đất ngoài khu dân cư với tên gọi là nhà kho, nhưng thực tế lại tổ chức sản xuất kinh doanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến những phức tạp khó lường trong công tác quản lý nhà nước.
Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo huyện Trảng Bom đặc biệt quan tâm tháo gỡ. Chính vì vậy, ngay sau khi HĐND tỉnh khóa VIII kỳ họp thứ 16 cuối năm 2015 ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện Trảng Bom đã nhanh chóng xúc tiến hình thành các CCN trên địa bàn. “Sau khi UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ 20 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN tại các huyện từ ngân sách của tỉnh, đã có các nhà đầu tư nộp hồ sơ xin đầu tư tại 2 cụm là Cụm Hưng Thịnh và Cụm An Viễn. Cùng với đó, huyện cũng vừa hoàn thành đầu tư hạ tầng CCN làng nghề sản xuất gỗ ở xã Bình Minh. Cụm này đầu tư 13 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 60% và đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở đăng ký mở nhà máy sản xuất. Như vậy, với động thái trên, năm 2016 việc thu hút đầu tư vào các CCN ở Trảng Bom sẽ khởi sắc”, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết.
Những năm qua, huyện Trảng Bom đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và định hướng các hoạt động này ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV. Có thể thấy rõ nhất là ở các doanh nghiệp chế biến gỗ. Với sự hỗ trợ của huyện về kinh phí đào tạo nghề và những hoạt động khuyến công, số doanh nghiệp sản xuất không hiệu quả, giải thể hoặc đóng cửa giảm hẳn trong khi số doanh nghiệp tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường ngày càng tăng.
Công ty Ngân Đại Sơn, chuyên sản xuất đồ gỗ gia dụng ở xã Đông Hòa là trường hợp tiêu biểu. Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom Trần Trung Lộc cho biết, từ sự hỗ trợ thường xuyên của huyện, năm 2015, doanh nghiệp này có sản phẩm là dụng cụ chắn cửa cho trẻ em được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, sau đó đạt danh hiệu này cấp tỉnh, cấp vùng, cấp khu vực và đang chờ Hội đồng đánh giá cấp quốc gia. “Năm 2016, Phòng Kinh tế huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động các DNNVV và đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho các doanh nghiệp mới”, ông Lộc nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết, huyện Trảng Bom có khu vực DNNVV đang phát triển khá nhanh. Để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ cũng như của tỉnh, từng phòng chức năng của huyện bố trí cán bộ nắm rõ nhu cầu hỗ trợ của từng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết. Lãnh đạo huyện thường xuyên trực tiếp xuống doanh nghiệp để nắm tình hình và có lịch tiếp doanh nghiệp hằng tuần. “Chúng tôi đang vận động và làm thủ tục để thành lập Hiệp hội doanh nghiệp huyện Trảng Bom. Dự kiến đến tháng 6-2016, Hội sẽ bắt đầu hoạt động làm đầu mối để liên kết các doanh nghiệp, cùng nhau phát triển và hội nhập”, ông Đảng cho biết.
Phấn đấu số lượng DNNVV tăng bình quân 18%/năm
Ngày 15-7-2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5512/ KH-UBND về việc phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu trong 5 năm tới là tốc độ phát triển DNNVV về số lượng tăng bình quân 18%/năm, vốn đăng ký tăng bình quân 8%, hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 - 5.000 lao động. Tỉnh cũng sẽ tổ chức mỗi năm trung bình 4 lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV, phấn đấu 100% các DNNVV tiếp cận được các chính sách về hỗ trợ sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng.
Tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tiếp cận nguồn cung tài chính, thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư vào CCN, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hưng Minh