Các trường tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Thứ sáu - 04/03/2016 14:06
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​Từ kinh nghiệm của năm trước, năm nay các trường THPT đã hoàn toàn chủ động trong việc định hướng, ôn tập cho học sinh nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
 
​Ôn tập theo năng lực học sinh
 
Thời điểm này, hầu hết các trường THPT trong toàn tỉnh đã thực hiện việc tăng tiết để ôn thi cho học sinh lớp 12. Tuy nhiên, tùy vào tình hình học lực của học sinh, mỗi trường đều có phương án ôn tập khác nhau.
 
Ở những trường thuộc “top trên”, do đầu vào cao nên việc tổ chức ôn tập cho học sinh khá nhẹ nhàng. Theo đó, những trường này thực hiện ôn tập theo phương thức lồng ghép trong chương trình chính khóa chứ không tổ chức lớp ôn tập trung ngoài giờ học. Chẳng hạn, Trường THPT Trấn Biên (TP. Biên Hòa) hiện lồng ghép ôn tập cho học sinh trong giờ học chính khóa. Theo lãnh đạo nhà trường, việc ôn tập trung chỉ thực hiện ở thời điểm gần cuối năm học.
 
Thầy Nguyễn Duy Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho hay: “Thực hiện theo tinh thần của Bộ GD-ĐT, Trường Ngô Quyền đã tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12. Do đó, buổi chiều là thời gian để học sinh trường chúng tôi học các môn tự chọn. Thời điểm này, trường chúng tôi chưa tổ chức ôn tập. Cũng như năm trước, sau khi kết thúc năm học, trường mới tổ chức ôn tập cho học sinh trong khoảng thởi gian từ 2 đến 3 tuần”.
 

 

 
Học sinh lớp 12, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Biên Hòa) trong giờ học môn Toán
 
Đối với những trường có đầu vào thấp hơn, công tác tổ chức ôn tập được chuẩn bị từ sớm. Từ kinh nghiệm của năm trước, năm nay, các trường đã cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn (dự kiến) ngay từ đầu năm học để sắp xếp lớp học theo nguyện vọng môn thi của học sinh. Cách sắp xếp này tạo điều kiện thuận lợi cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học và ôn thi.
 
Hiện tại, nhiều trường THPT tổ chức cho học sinh khối 12 học chính khóa buổi sáng và học tăng cường vào buổi chiều. Thời gian học tăng cường chính là thời gian ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Đối với các trường THPT ngoài công lập, do học sinh học 2 buổi/ngày nên công tác tổ chức ôn tập có nhiều thuận lợi hơn.
 
Cô Đỗ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Biên Hòa) cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động thông tin cho học sinh và phụ huynh nắm rõ về những điểm cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia. Các học sinh được đăng ký các môn tự chọn. Nhà trường căn cứ theo đó để xếp lớp. Hiện nay, việc ôn tập đang được thực hiện lồng ghép trong chương trình học. Từ kết quả của kỳ thi năm ngoái và công tác tổ chức dạy học của năm nay, thầy và trò Trường Đinh Tiên Hoàng rất tự tin trước kỳ thi sắp tới. 
 
Học sinh biết “lượng” sức mình hơn
 
Một điều đáng mừng, theo lãnh đạo của một số trường, là học sinh đã biết “lượng sức” mình hơn khi định hướng thi cử. Ngay từ đầu năm học, các trường đã tư vấn cho học sinh theo hướng xác định năng lực thật sự của cá nhân để đăng ký dự thi một cách hợp lý. Ngoài ra, số lượng học sinh “kiên quyết” thi đại học đang có xu hướng giảm. Căn cứ vào lực học của mình, nhiều học sinh chọn cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì để đảm bảo an toàn chứ không chọn thi đại học như những năm trước. Thực tế, giáo viên của nhiều trường cũng định hướng cho học sinh đặt mục tiêu đậu tốt nghiệp THPT lên hàng đầu. Sau đó, các em có thể dùng học bạ của mình để xét tuyển vào các trường trung cấp hoặc cao đẳng.
 
Năm nay, thông tin về kỳ thi THPT quốc gia cũng được các học sinh tham khảo từ sớm. Do đó, các em nắm khá rõ về các quy định của kỳ thi. Ngoài 3 môn thi chính là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các học sinh đều chủ động chọn cho mình môn thi tự chọn. Ngoài ra, những học sinh dự định thi để xét tuyển đại học, cao đẳng cũng đã có định hướng các môn thi ngay từ đầu. Do đó, khi làm thủ tục đăng ký môn thi chính thức chắc chắn sẽ có rất ít biến động.
 
Tuy nhiên, có một thực tế là do có sự lựa chọn môn học từ rất sớm nên hiện nay tình trạng học sinh học lệch đang diễn ra. Theo đó, những môn học sinh không lựa chọn được coi là “môn phụ”. Vì vậy, các em chỉ học qua loa, học cho có. Chính vì vậy, giáo viên dạy những “môn phụ” này khá vất vả trong việc duy trì chất lượng học tập của học sinh.
 
Đề xuất tổ chức 2 cụm thi tại Đồng Nai
 
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, Sở đã có văn bản báo cáo phương án tổ chức cụm thi trình Bộ GD-ĐT. Theo đó, Đồng Nai lên phương án tổ chức 2 cụm thi: cụm thi Đại học (dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ) và cụm thi tốt nghiệp (dành cho học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp). Khi Bộ GD-ĐT đồng ý, Sở GD-ĐT sẽ lên phương án cụ thể để chuẩn bị mọi mặt cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
 
Nếu được tổ chức 2 cụm thi tại tỉnh, thí sinh của Đồng Nai sẽ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại, ăn ở trong những ngày diễn ra kỳ thi.
 
Trước đó, ngày 3-2, Bộ GD-ĐT đã công bố văn bản 525 về các chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016. Trong đó có nội dung thay đổi về cụm thi. Theo đó, Bộ quy định mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một cụm thi do các trường ĐH chủ trì (quy chế hiện hành quy định ít nhất 2 tỉnh/thành phố trở lên có một cụm thi này). Theo văn bản này, cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT và với trường ĐH, CĐ khác (gọi tắt là cụm thi ĐH). Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả 2 đối tượng thí sinh dự thi.

 

 
Tường Vi

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

6,522

Tổng lượt truy cập

555,862,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây