Người dân góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

Thứ ba - 15/03/2016 09:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​​Tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trong tỉnh thời gian qua không giảm một phần là do tình trạng đường ngang dân sinh tự phát xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình người dân địa phương tham gia gác chắn cảnh báo tại các đường ngang đang được Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh thí điểm.

Tai nạn đường sắt vẫn nhiều
 
Với chiều dài 89km, tuyến đường sắt quốc gia đi qua 5 huyện, thị, thành của Đồng Nai từ Xuân Lộc đến Biên Hòa nhưng có đến hơn 100 đường ngang giao cắt với đường bộ. Điều đáng nói, chưa tới một nửa trong số đường ngang này là hợp pháp (trong đó 32 đường ngang có gác chắn, biển báo; 24 đường ngang có lắp đặt biển cảnh báo tự động), số còn lại là bất hợp pháp nên tình trạng mất ATGT đường sắt vẫn diễn ra phổ biến.
 
Thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy, năm 2015, Đồng Nai xảy ra 14 vụ TNGT đường sắt khiến 12 người chết (bằng năm 2014) và 3 người bị thương. TP. Biên Hòa là địa bàn có số vụ TNGT đường sắt xảy ra nhiều nhất khiến 8 người chết, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng. Tiêu biểu là vụ tai nạn đường sắt diễn ra ngày 23-4-2015 tại phường Tân Hiệp làm 2 bà cháu tử vong tại chỗ.
 
Theo Ban ATGT tỉnh, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến TNGT đường sắt còn diễn ra phức tạp trong thời gian qua chính là do có quá nhiều đường ngang dân sinh chưa có gác chắn. Tình trạng này đã tạo nguy hiểm cho cả người tham gia giao thông đường bộ lẫn tàu hỏa lúc di chuyển.
 

 

 
Một gác chắn đường tàu đảm bảo ATGT cho người dân

 

Theo thống kê, ở các địa phương có đông dân cư, khu công nghiệp thì số lượng đường ngang dân sinh tự phát ngày càng nhiều. Đơn cử như TP. Biên Hòa hiện có tới 14 đường ngang dân sinh tự phát, huyện Trảng Bom 13 đường ngang dân sinh tự phát… Ở TP. Biên Hòa, chỉ khoảng 1km đường sắt song song với đường Điểu Xiển thuộc khu vực giáp ranh 2 phường Long Bình và phường Tân Biên cũng đã có tới 4 đường ngang do dân tự làm với lượng người và xe 2 bánh qua lại rất tấp nập, tạo ra những điểm đen gây mất an toàn.
 
Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh đã thống kê được 8 điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt. Tất cả 8 điểm đen này đều là đường ngang dân sinh do người dân mở ra tại 3 địa phương là TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Xuân Lộc.
 
“Các đường ngang dân sinh tự phát này do người dân mở ra đều bất hợp pháp. Nếu không có biện pháp cảnh giới thì tai nạn có thể diễn ra bất cứ lúc nào”, đại diện Ban ATGT tỉnh cảnh báo.
 
Cử người dân cảnh giới đường ngang
 
Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh, đảm bảo ATGT đường sắt là một việc làm cấp bách hiện nay, trong đó có việc giảm thiểu nguy hiểm từ 8 điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, Sở Giao thông - vận tải, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn lên kế hoạch cắt cử người trực gác chắn, cảnh báo tại 8 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn ở 3 địa phương nêu trên. Trong đó TP. Biên Hòa chiếm phần lớn với 5 điểm đen tại các phường: Tân Biên, Tân Hiệp, Quyết Thắng, Thống Nhất và xã Hóa An.
 
Trong số 5 điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt tại TP. Biên Hòa, điểm đen nguy hiểm nhất là hai tuyến đường dân sinh giao với đường sắt nối liền khu phố 11 và khu phố 3 thuộc địa bàn phường Tân Hiệp. Hơn 1 tháng trở lại đây, khu vực này đã có người căng cờ cảnh báo mỗi khi có chuyến tàu chạy qua. Họ là thành viên của tổ ATGT vừa được thành lập. Tổ này có 8 thành viên đều là những người dân của phường Tân Hiệp, tất cả đều được tham dự lớp tập huấn kỹ năng cơ bản đảm bảo ATGT đường sắt do Ban ATGT tỉnh phối hợp cùng Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn tổ chức.
 
Tổ có 2 nhóm, mỗi nhóm 4 người, chia ra hai người trực cảnh giới một ngày, từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, mỗi khi đến giờ tàu chạy thì 2 người trong nhóm phân công nhau gác chắn 2 bên đường ngang. “Ở khu vực này, đông nhất là buổi sáng và buổi chiều. Sáng, công nhân đi làm, học sinh đi học và buổi chiều tan tầm, họ ùn ùn trở về”, chị Hồ Thị Lý thành viên của Tổ ATGT phường Tân Hiệp nói.
 
Cùng nhóm chị Lý, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ rằng, ông tham gia việc gác chắn đường tàu là nhằm góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân địa phương. Do tổ ATGT mới đi vào hoạt động nên vẫn còn nhiều bất cập. Một trong số đó là nhiều người dân chưa quen với cách điều hành của tổ ATGT nơi đây nên chưa có ý thức chấp hành cao. “Trước mắt, tổ ATGT cũng mong muốn Ban ATGT thành phố và ngành Đường sắt quan tâm làm một chốt trú mưa, trú nắng khi tham gia gác chắn để đảm bảo sức khoẻ lâu dài của các thành viên”, ông Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị.
 
Theo Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Phạm Anh Dũng, mục tiêu của thành phố là phải giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đường sắt hằng năm. Sự ra đời của tổ ATGT đường sắt ở các phường là biện pháp tình thế nhưng phần nào đã phát huy hiệu quả bước đầu. “Bên cạnh nỗ lực từ các ngành chức năng, điều cốt lõi vẫn cần sự chung tay của cộng đồng trong chấp hành nghiêm luật giao thông, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để tai nạn không còn là nỗi lo của mỗi người dân khi đi ra đường”, ông Dũng nói.
 
Thí điểm hoạt động 8 tổ ATGT đường sắt
 
Ban ATGT tỉnh đã thành lập 8 tổ ATGT tại 8 điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt tại TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Xuân Lộc. Mỗi tổ ATGT có 4 - 8 người dân sống gần 2 bên đường ngang thay phiên nhau tổ chức cảnh giới, ghi chép lịch trình và giờ giấc tàu hỏa chạy qua. Đến gần giờ tàu chạy qua, các thành viên trong tổ ra gác chắn và cảnh báo người đi đường không di chuyển trên đường sắt, dừng ở vị trí an toàn khi có tàu đến. Các thành viên tham gia tổ ATGT được nhận trợ cấp (3 triệu đồng/tháng) từ nguồn kinh phí của Ban ATGT các địa phương. Theo Ban ATGT tỉnh, nếu thí điểm thành công, mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng, triển khai ở các đường ngang dân sinh nguy hiểm trong tỉnh.
 

 

Thế Văn

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

24,175

Tổng lượt truy cập

555,879,902
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây