Để xây dựng nền khoa học - công nghệ hiện đại

Thứ hai - 14/03/2016 14:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

Để xây dựng và phát triển Đồng Nai trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ của vùng Đông Nam bộ trong tương lai, trước mắt cần nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN). Đó là ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo “Các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X (2015 - 2020) về lĩnh vực KH-CN” do tỉnh tổ chức mới đây.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý khoa học
 
Theo TS. Bùi Quang Xuân, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị - hành chính quốc gia, KH-CN ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ địa phương nào. KH-CN là yếu tố then chốt nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua thúc đẩy kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Đối với Đồng Nai, để việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN thực sự đóng vai trò và là động lực, nền tảng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), điều quan trọng hàng đầu chính là đổi mới tư duy về công tác quản lý trên lĩnh vực KH-CN. Một mặt, tỉnh cần sắp xếp, đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành; đồng thời, cải tiến công tác quản lý, thực hiện quy chế dân chủ trong nghiên cứu và sáng tạo. Có chính sách đãi ngộ, đặc biệt đối với các nhà khoa học xuất sắc, khuyến khích cán bộ khoa học - kỹ thuật bám sát cơ sở sản xuất, phục vụ các vùng khó khăn, vùng nông thôn.
 
Ông Lê Huy Nhuận, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, quan điểm KH-CN là động lực và then chốt cho sự phát triển của đất nước đã được Đảng và Nhà nước xác định xuyên suốt ngay từ khi nước ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới, mở cửa và đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996) cho đến ngày nay. Quán triệt quan điểm đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đúng đắn, tạo điều kiện để các đơn vị, cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác KH-CN trên địa bàn tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời huy động cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển sự nghiệp KH-CN, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
 

 

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai
 
Trên cơ sở những thành tựu KH-CN của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, Nghị quyết tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X (2015 - 2020) xác định, để thực hiện đạt mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai từ nay đến năm 2020, giải pháp quan trọng hàng đầu chính là đẩy mạnh phát triển kinh tế, KH-CN đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực KH-CN là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, phương thức quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN. Phát triển mạnh tiềm lực KH-CN. Thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN”. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Lê Huy Nhuận khẳng định, giải pháp cơ bản đầu tiên mà các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh cần tập trung thực hiện đó là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu. Phải xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Người đứng đầu cơ quan lãnh đạo có nắm vững tầm quan trọng của KH-CN thì mới đề ra được quyết sách đúng đắn cho sự phát triển. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KH-CN. Từ đó tạo ra động lực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp hăng say nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng cái mới, tiến bộ vào hoạt động sản xuất, lao động để nâng cao năng suất lao động, giá trị hàng hóa.
 
Tập trung phát triển các ngành khoa học mũi nhọn
 
Với mục tiêu hướng tới xây dựng Đồng Nai thành thành phố khoa học trong tương lai, tỉnh cần phát huy thế mạnh của địa phương làm tiền đề cho KH-CN phát triển là vấn đề chính mà các nhà khoa học tham dự tại hội thảo nhấn mạnh.
 
GS.TS. Bùi Chí Bửu chia sẻ, Đồng Nai cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu cơ bản ứng dụng trên lĩnh vực nông nghiệp. Thế mạnh của tỉnh là các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cây sắn, hồ tiêu... Mặc dù là địa phương có nhiều thuận lợi về địa lý, khí hậu, song Đồng Nai cũng giống như TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn về giống cây trồng chất lượng cao, ngay cả với những loại rau trồng phổ biến như ớt, đậu bắp, ngô lai, lúa lai... đều phải nhập khẩu giống. Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu, tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học ở Cẩm Mỹ hiện nay có thể phát triển theo hướng đầu tư tài chính cho nghiên cứu cơ bản, tạo ra giống tốt sau đó bán bản quyền cho doanh nghiệp hoặc người dân có nhu cầu.
 

 

 
Mô hình nghiên cứu ứng dụng sản xuất rau sạch theo hướng VietGAP tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai
 
Còn PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân cho rằng, một trong những hướng phát triển quan trọng cho hoạt động KH-CN Đồng Nai trong thời gian tới chính là ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Quy hoạch chương trình phát triển, ứng dụng bức xạ vào nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 775 năm 2010. Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào nông nghiệp tạo ra các loại giống cây trồng đột biến gien chất lượng cao đã được thế giới nghiên cứu và phát triển từ những năm 1990. Tại Việt Nam, một số Viện và trung tâm nghiên cứu cũng đã ứng dụng kỹ thuật này để tạo ra các loại giống đột biến gen mang lại năng suất cao, chất lượng tốt như lúa, đậu tương, cam đường lá canh, hoa… hoặc ứng dụng chiếu xạ để kích thích cây trồng sinh trưởng tăng năng suất. Nghiên cứu tại Canada cho thấy, ứng dụng chiếu xạ kích thích cây trồng tăng năng suất từ 15 - 50%...
 
PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền cho biết thêm, với những lợi ích thiết thực mang lại, hiện nhà nước đang có chủ trương xúc tiến xây dựng Trung tâm KH-CN hạt nhân.  Mục tiêu của Trung tâm là hỗ trợ kỹ thuật chương trình điện hạt nhân quốc gia, đồng thời là địa điểm triển khai các nghiên cứu hiện đại trên lĩnh vực năng lượng nguyên tử và đào tạo cán bộ cho ngành năng lượng, điện hạt nhân. Với điều kiện thuận lợi về địa lý, cơ sở vật chất hạ tầng, cơ chế chính sách mở, Đồng Nai hiện đang là một trong 2 địa phương được chọn làm địa điểm để xây dựng Trung tâm KH-CN hạt nhân sẽ triển khai trong năm 2018.
 
Công nghệ sinh học đã và đang thực sự có ý nghĩa lớn đối với đời sống con người. KTS.Vũ Hùng Việt, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng khẳng định, việc hình thành khu vực riêng đặc thù có tính chất và cấu trúc như một “Thành phố khoa học chuyên ngành sinh học” hay “thành phố công nghệ sinh học” là cần thiết ở Việt Nam. Từ đó, đầu tư đồng bộ về hạ tầng, là không gian mở kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học hàng đầu và nhà đầu tư lớn trên hạ tầng cơ sở dùng chung, phát triển dựa trên các các chính sách hợp lý, thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của môi trường kinh doanh, tạo ra sự luân chuyển liên tục của các lao động chất lượng cao nhằm hình thành môi trường lý tưởng nhất cho nghiên cứu, phát triển KH-CN trình độ cao.
 
KTS. Vũ Hùng Việt nhấn mạnh, Đồng Nai với thế mạnh về vị trí địa lý, khí hậu, đất đai, kinh tế năng động… thì chủ trương phát triển mô hình thành phố công nghệ sinh học dựa trên Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học tại Cẩm Mỹ là hoàn toàn hợp lý và sẽ là cơ hội cho Đồng Nai phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng là tỉnh cần vượt qua những thách thức cạnh tranh trong điều kiện “phẳng” của thế giới, ngoài những tâm huyết và sự đồng lòng thì cần tập trung hơn nữa nguồn lực thực tế, nghiên cứu, điều tra cẩn thận về bối cảnh, điều kiện và nhu cầu phát triển (bao gồm cả hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng quản lý, kinh tế và nguồn nhân lực), từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quá trình xây dựng vận hành... cùng những cơ chế, quy định đặc thù nhằm tạo điều kiện tối đa thu hút đầu tư hiệu quả cho thành phố khoa học trong tương lai.
 
GS.TS. Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam khẳng định, để tạo nên bước đột phá cho hoạt động KH-CN, Đồng Nai cần xây dựng cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đặc thù cụ thể, qua đó mới thu hút chuyên gia giỏi, nhà khoa học… về cống hiến cho tỉnh. Mặc dù, thời gian qua, Đồng Nai cũng đã có những nỗ lực “cởi trói” nút thắt trong cơ chế quản lý tài chính khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
 
Lê Nguyễn

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

24,627

Tổng lượt truy cập

555,880,354
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây