Trong khi nhiều địa phương như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú đang đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng thì hai địa phương ở hạ lưu sông Đồng Nai là Long Thành và Nhơn Trạch đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt xâm nhập mặn kỷ lục. Với độ mặn trung bình 5 - 7‰, năng suất hàng ngàn ha hoa màu bị ảnh hưởng, người dân phải thay đổi thời gian xuống giống, nhiều hộ gia đình phải đi mua nước ngọt sinh hoạt với giá cao…
Theo số liệu mới nhất của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, độ mặn trong nước đo hồi 8 giờ sáng ngày 15-3 tại cống Ông Kèo (gần Khu du lịch Bò cạp vàng) phía ngoài cống là 16‰, bên trong đồng là 7‰; cùng thời gian đó, tại cống Phước Lý, xã Đại Phước (cách phà Cát Lái khoảng 2km) tương ứng là 8‰ và 5‰; cống Ông Mai 9%0 và 3‰.
Theo cảnh báo của Viện Khoa học thủy lợi, cây trồng, vật nuôi chỉ sinh trưởng và phát triển bình thường khi độ mặn dưới 4‰, nếu độ mặn càng cao càng ảnh hưởng đến năng suất.
Độ mặn tăng liên tục
Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi Nhơn Trạch Trương Tấn Vững cho biết, độ mặn giữa tháng 3 cao gần gấp đôi so với đầu tháng 2 và đang ở mức cao kỷ lục, trung bình mỗi tuần độ mặn nhích từ 0,5 - 1‰. Ông dẫn chứng, tại điểm đo Phước Lý gần phà Cát Lái đầu tháng 1-2016, độ mặn đo được là gần 5‰, đến cuối tháng 1 gần 6,5‰và đến giữa tháng 3 là 8‰. Ông Vững cũng cho biết thêm, với diễn biến thời tiết khô nắng như hiện nay đến hết tháng 3, độ mặn trong nước sẽ tiếp tục tăng. Độ mặn tăng không chỉ ảnh hưởng đến vụ mùa cây trồng, vật nuôi của nông dân mà còn ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt và chất đất về lâu dài.
Xả nước vào kênh giúp cho việc vận chuyển mía thuận lợi hơn nhưng xảy ra nguy cơ tăng độ mặn trong đất
Theo ghi nhận, các xã đang bị xâm nhập mặn cao là Đại Phước, Phước Khánh, Phú Thạnh, Long Tân, Phú Hội, Phú Hữu, Phước Thiền, Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch); xã Tam An, An Phước (huyện Long Thành). Theo ước tính có khoảng 3.000 ha lúa vừa thu hoạch xong của hai huyện này bị ảnh hưởng, trong đó các xã Phú Hữu, Tam An, Đại Phước, năng suất lúa giảm hơn so với mọi năm. Riêng gần 1.000 ha mía ở huyện Nhơn Trạch đang thu hoạch, phần lớn không bị ảnh hưởng đến năng suất, tuy nhiên nếu không thu hoạch xong trước ngày 30-3 thì đơn vị thu mua sẽ ngưng nhập hàng, người dân không biết bán mía cho ai. Thêm vào đó, sẽ có khoảng 50% diện tích mía gối vụ (mía sau khi thu hoạch được giữ lại gốc cho vụ sau) bị ảnh hưởng năng suất do xả nước nhiễm mặn phục vụ công tác vận chuyển mía.
Nạo vét kênh mương nội đồng hạn chế xâm nhập mặn vào đất nông nghiệp
Không chỉ ảnh hưởng đến diện tích hoa màu, tình trạng xâm nhập mặn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều đầm nuôi thủy sản và cả nguồn nước sinh hoạt của người dân. Tại nhiều đầm nuôi tôm, cá ven sông Đồng Nai của người dân ở các xã Hiệp Phước, Đại Phước, Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) mặc dù nhiều đầm nuôi đang trong tình trạng cạn kiệt nhưng người dân cũng không dám lấy nước ngoài sông vào đầm vì lo sợ nước nhiễm mặn cao khiến cá, tôm chậm lớn.
Tình trạng xâm nhập mặn gia tăng là nguyên nhân dẫn đến nguồn nước ngầm nhiễm mặn tăng cao khiến nhiều hộ dân ở các xã khác trong huyện Nhơn Trạch đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Riêng tại ấp 3, xã Phước Khánh, hơn 300 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu từ nhiều ngày qua đang phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá 50.000 - 60.000 đồng/m3 do không thể đào giếng tìm nước ngọt. “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng này bấy nhiêu năm chưa khi nào thấy mặn xâm nhập nặng như vậy. Trước đây giếng nước ngọt của tôi xài không hết, người dân ở ấp khác đến xin nước tôi cho thoải mái, nhưng một tháng trở lại đây, nước giếng nhiễm mặn, phèn không còn sử dụng được nữa, gia đình phải đấu nối đường ống từ một hộ dân đang sử dụng nước sạch về để dùng”, ông Lê Thanh Tuấn, 58 tuổi, ấp 1, xã Phước Khánh nói. Không chỉ ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt, hơn 2 ha mía của ông Tuấn vừa thu hoạch xong cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. “Mía tôi mới trồng vụ đầu, năng suất đạt 70 tấn/ha, như mọi năm vụ gối thứ 2 phải đạt 80 - 90 tấn/ha. Nhưng vụ tới thì chưa biết huề vốn, lỗ hay lãi… vì khi xả nước cống vào cứu mía thì diện tích mía gối đầu sẽ bị ảnh hưởng do độ mặn cao”, ông Tuấn chia sẻ.
Hạn chế ảnh hưởng mặn
Trước tình trạng ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tại cuộc họp mới đây với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT), các sở, ngành liên quan và các địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chỉ đạo các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa phải theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn để kịp thời ứng phó. Đối với diện tích cây trồng chưa thu hoạch, cần khuyến cáo bà con nông dân nên đắp bờ bao ngăn mặn. Đối với diện tích mía đang thu hoạch ở huyện Nhơn Trạch, cho xả nước vào phục vụ việc vận chuyển mía để kịp tiêu thụ cho nông dân. Tuy nhiên, việc xả nước cũng phải tính toán thời điểm và lượng nước thích hợp tránh tình trạng nước mặn nhiễm sâu vào trong đất ảnh hưởng đến diện tích mía gối vụ; song song đó, các ngành chức năng huyện Nhơn Trạch cần khẩn trương tiến hành nạo vét các kênh mương chính phục vụ cho công tác vận chuyển mía thuận lợi hơn.
Người dân xã Phú Hữu, Nhơn Trạch đang phải mua nước sinh hoạt với giá cao do ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhiễm phèn
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho rằng, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm nay không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà ở lưu vực sông Đồng Nai xâm nhập mặn cũng lên mức cao nhất trong lịch sử. Các biện pháp xả nước cứu mía đang thu hoạch hay kêu gọi xả nước hồ Trị An đẩy mặn chỉ mang tính chất tạm thời, vì mực nước trong hồ hiện giảm sâu, xả nước hồ cũng chỉ đẩy được một phần mặn ở TP. Biên Hòa, xả nước sông vào, độ mặn khi thẩm thấu vào trong đất sẽ ảnh hưởng đến chất đất về lâu về dài.
Hàng trăm hộ dân đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Trong ảnh: Một người dân ở Phú Hữu bên lu nước được mua với giá 20.000 đồng
Độ mặn đo lúc 8 giờ sáng ngày 15-3 tại cống Phước Lý, xã Đại Phước
Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, theo ông Minh ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, chính quyền địa phương phải vận động người dân cùng tham gia nạo vét, hút bùn ở các kênh mương nội đồng vừa để dễ dàng vận chuyển nông sản vừa hạn chế nước nhiễm mặn tràn vào ruộng, tương lai xa cần phải tính toán làm đường bộ để vận chuyển nông sản thay vì đường thủy như hiện nay. Một giải pháp khác là cần sớm khoanh diện tích làm bờ vùng, bờ thửa theo vùng cao, vùng trũng và có biện pháp rửa mặn phù hợp vào mùa mưa, như hướng dẫn nông dân rửa mặn cho đất bằng cách luân phiên tháo, ép nước trong đồng ruộng nhiều lần. “Cả trước mắt và lâu dài, cần phải vận động bà con nông dân sử dụng nước tưới, nước sinh hoạt tiết kiệm và thay đổi cơ cây trồng cho phù hợp với chất đất nhiễm mặn”, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh lưu ý về giải pháp căn cơ hạn chế tình trạng nhiễm mặn.
Ban Mai