Đưa Nghị quyết ĐH XII của Đảng vào cuộc sống: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Thứ hai - 21/03/2016 08:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​​Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua Nghị quyết xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm 2016 - 2020. Trong đó, nhiệm vụ thứ 6 là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống…”.

​Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn minh thắng bạo tàn”. “Văn minh” bao hàm cả về trình độ phát triển đời sống tinh thần và trình độ phát triển của khoa học - công nghệ. Xã hội văn minh là xã hội có những con người nhân văn, con người phát triển toàn diện cả lý trí và tình cảm, có lòng nhân ái, khoan dung, cả đức và tài “vừa hồng, vừa chuyên”…
 
Thực trạng đáng lo ngại
 
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đánh giá: “…Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
 
Dư luận xã hội quan tâm về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, phê phán gay gắt những hành động đồi bại, thói hư tật xấu đang diễn ra hằng ngày. Do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, những đồng tiền bất chính có từ tham nhũng, buôn lậu... đã khuynh đảo giá trị đạo đức xã hội. Trong giáo dục có nơi, có lúc còn coi nhẹ các môn học xã hội nhân văn, nơi kết tinh các giá trị đạo đức cho học sinh có một phần do định hướng giá trị của gia đình, nhà trường và xã hội; cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.
 
 
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

 

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI).
 
Đạo đức là một trong ba thành tố của văn hóa hình thành các giá trị phổ biến và vĩnh hằng: Chân - Thiện - Mỹ, vừa là mục tiêu để con người hướng đích vừa là thước đo giá trị của hành vi con người. Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng con người, xây dựng xã hội phải gắn với việc xây dựng đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Điều quan trọng là cần nhìn nhận vai trò của đạo đức cách mạng với vai trò nền tảng của văn hóa Đảng.
 
Trong Di chúc để lại, Bác Hồ viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
 
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện
 
Trước hết cần nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thời kỳ hội nhập. Trong đó: “Phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm”. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
 
Nghị quyết 33 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; khẳng định những giá trị to lớn, những điều tốt đẹp, nhân văn; đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu trong xã hội… Nghị quyết nêu ra một số giải pháp:
 
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình. Nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Biết giữ gìn đạo đức, nhân phẩm, lương tâm, danh dự. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đạo đức cách mạng là gốc; đức gắn với tài, trong đức có tài, trong tài có đức; tài càng cao, đức càng phải lớn.
 
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường: Truyền thụ kiến thức, xây dựng nhân cách, lối sống và truyền thụ tư tưởng cho học sinh, sinh viên; gắn kết chặt chẽ: Nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức.
 
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong phối hợp giáo dục đạo đức, nhân cách và lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; có quy ước, quy chế, quy phạm về đạo đức xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; xem mối quan hệ giữa đạo đức với phát triển kinh tế là điều kiện, cơ sở để xây dựng xã hội văn minh. Con người có đạo đức, có văn hóa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội; chống thói dối trá, lừa lọc, xu nịnh, bệnh “chạy”; quan tâm, bảo đảm bình đẳng công bằng, hài hòa giữa lợi ích của cá nhân, tập thể, thành phần kinh tế, cộng đồng, xã hội, Tổ quốc, dân tộc, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Hồ Chí Minh).
 
Phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa thực hiện chức năng giáo dục đạo đức cho mỗi con người, mỗi thành viên trong xã hội; các thiết chế văn hóa, dù là truyền thống hay hiện đại đều có chức năng và vai trò nhất định giáo dục đạo đức xã hội. Nhà cộng đồng, Trung tâm văn hóa, Nhà hát, các thiết chế tôn giáo… đều phải có định hướng giá trị văn hóa nói chung và đạo đức nói riêng. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa đạo đức này thì việc giáo dục đạo đức cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta sẽ thành công.
 
Thông qua sức mạnh dư luận xã hội, các phương tiện và hệ thống thiết chế thông tin đại chúng lên án cái ác, cái xấu, tiêu cực, tệ nạn xã hội; nêu gương tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, định hướng giá trị đạo đức cho xã hội.
 

 

Đăng Hoài

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

24,453

Tổng lượt truy cập

555,880,180
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây