(CTT-Đồng Nai) - Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Cửu vừa tổ chức tổng kết dự án Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây có múi và xoài tại xã Mã Đà, Hiếu Liêm (nay là một phần xã Trị An) và Phú Lý nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Đại diện Ban điều hành dự án trao giấy khen cho các tập thể tích cực triển khai các hoạt động của dự án
Đại diện Ban điều hành dự án trao giấy khen cho các tập thể tích cực triển khai các hoạt động của dự án
Theo báo cáo của Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu, 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu là địa phương tập trung đông dân cư thuộc hơn 10 nhóm dân tộc khác nhau, đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, tập trung giải quyết thu nhập thấp hoặc bấp bênh là giải pháp toàn diện và bền vững nhất giúp cải thiện, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, từ đó giúp họ giảm các tác động lên tài nguyên thiên nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Trong các ngành nghề hiện có, thì sản xuất nông nghiệp được xác định là nghành nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân của 3 xã. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng khác người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cả việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm. Việc thực hiện dự án Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây có múi và xoài tại 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai sẽ giúp cho người dân ba xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý có thể phát triển kinh tế bền vững và đóng góp cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai tốt nhất.
Sau 2 năm thực hiện dự án đã đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành 19/19 hoạt động đề ra. Đến thời điểm cuối tháng 10-2024, Ban điều hành dự án đã giải ngân 2,37 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%) và có 517 hộ tiếp cận với Quỹ quay vòng vốn. Các hộ này đã có thu nhập tăng lên từ mô hình trồng cây có múi và xoài từ 20,1- 21,5% so với trước khi tiếp cận dự án. Phần tăng thêm thu nhập đặc biệt đã giúp cho các hộ gia đình ổn định cuộc sống không cần phải vay lãi cao ở bên ngoài hoặc vay phân bón của thương lái. Điều này đã giúp cho các hộ gia đình yên tâm sản xuất và đã giúp họ duy trì được các hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, đã có trên 1,1 ngàn lượt người được tham gia các hoạt động tập huấn và hội thảo. Bên cạnh hoạt động tập huấn, hội thảo diễn ra tại huyện Vĩnh Cửu, Ban điều hành dự án còn tổ chức các hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường và học cách chế biến và bảo quản các loại hoa quả, thực phẩm... tại các huyện khác trong tỉnh Đồng Nai và tới các tỉnh thành khác ở Việt Nam giúp các gia đình và chị em có cơ hội học tập kinh nghiệm và học hỏi thêm các kiến thức để phục vụ cho việc phát triển các mô hình tại địa phương…
Việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho người dân 3 xã Mã Đà, Phú Lý và Hiếu Liêm về lâu góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm trái cây có múi như: cam, quýt, bưởi và xoài. Thông qua hoạt động khuyến khích sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và tìm kiếm các giải pháp thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm hợp lý và hỗ trợ tiếp cận thị trường…góp phần nâng cao thu nhập và giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Đại diện Ban điều hành dự án trao giấy khen cho các cá nhân tích cực tham gia triển khai hoạt động của dự án
Đại diện Ban điều hành dự án trao giấy khen cho các cá nhân tích cực tham gia triển khai hoạt động của dự án
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Ban điều hành dự án đề nghị chương trình tiếp tục tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam. Trong đó có thể tài trợ thông qua việc hỗ trợ vốn vay đầu tư vào việc làm phân bón IMO, nguyên liệu; hỗ trợ mua máy móc; tăng mức vốn vay theo nhu cầu và mục đích sử dụng (tối đa 30 triệu đồng)…