Thư viện lớp học góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường

Thứ ba - 24/12/2024 10:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT – Đồng Nai) - Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa thư viện vào tận lớp học bằng cách trang bị các kệ sách với nhiều đầu sách trong các phòng học. Cách làm này giúp học sinh thuận lợi trong việc tiếp cận sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

Các góc thư viện trong lớp học cũng làm cho không gian lớp học thêm đẹp, thân thiện, trở thành điểm check-in yêu thích của học sinh.

Xây dựng thư viện trong lớp học

Tháng 10-2024, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Phú đã phát động hoạt động trang bị kệ sách, góp sách cho thư viện lớp học. Theo đó, mỗi lớp sẽ làm một kệ sách, mỗi thành viên trong lớp góp một cuốn sách cho thư viện lớp học. Các lớp lên ý tưởng trang trí kệ sách và thuyết trình về những cuốn sách của lớp. Đây là hoạt động thi đua chào mừng ngày 20-11, đồng thời nằm trong chủ trương đưa thư viện đến lớp học, khuyến khích văn hóa đọc của Trung tâm GDNN-GDTX huyện.

Học sinh Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Phú tìm đọc sách tại kệ sách trong lớp học.
Học sinh Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Phú tìm đọc sách tại kệ sách trong lớp học.

Vì mỗi phòng học có 2 lớp cùng học (lớp buổi sáng và lớp buổi chiều) nên trong mỗi phòng học sẽ có 2 kệ sách, một kệ ở phía bục giảng và 1 kệ ở cuối lớp học. Các kệ sách có nhiều đầu sách, phong phú về thể loại và được trang trí rất đẹp mắt, trở thành điểm nhấn nổi bật trong không gian lớp học.
Khi có thư viện trong lớp học đồng nghĩa với việc gia tăng thời gian học sinh được tiếp xúc với sách. Học sinh có thể không đọc hết một cuốn sách nhưng các em sẽ tìm những nội dung phù hợp, cảm thấy thú vị để đọc. Điều này góp phần hình thành thói quen đọc sách trong học sinh.
Học sinh có thể mượn sách đem về nhà đọc dưới sự quản lý của các tổ trưởng hoặc có thể tranh thủ đọc sách vào giờ ra chơi. Sau một tháng, các lớp sẽ luân chuyển sách với nhau để học sinh có thể tiếp cận được với nhiều đầu sách. Đến cuối năm học, số sách này sẽ được quyên góp lại cho trung tâm để xây dựng thư viện chung.
Em Trần Thị Cẩm Ly, học sinh lớp 11A1, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Phú, chia sẻ: “Khi trung tâm phát động xây dựng kệ sách trong lớp học, chúng em rất hào hứng và các thành viên trong lớp đã cùng nhau quyên góp sách, trang trí kệ sách. Khi trung tâm có nhiều phong trào thi đua như vậy cũng giúp chúng em có tâm thế học tập tốt hơn. Chúng em mong trung tâm sẽ có thêm nhiều phong trào thi đua liên quan đến sách và văn hóa đọc để chúng em có cơ hội đọc sách, mở mang kiến thức”.
Cô Nguyễn Thị Thêu, giáo viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Phú, cho biết nhằm xây dựng văn hóa đọc, mỗi năm, trung tâm đều có hoạt động khác nhau để khuyến khích học sinh đọc sách. Chẳng hạn, năm học 2023-2024, Trung tâm tổ chức Cuộc thi Cuốn sách tôi yêu. Học sinh sẽ đọc và viết cảm nghĩ về cuốn sách mình đã đọc, cho biết cuốn sách đó đã góp phần thay đổi bản thân như thế nào. Đồng thời, cuốn sách này cũng được tặng lại cho trung tâm để xây dựng thư viện chung.

Lan tỏa văn hóa đọc
Không chỉ đưa thư viện đến từng lớp học, nhiều trường còn thực hiện mô hình thư viện di động. Đó là những tủ sách nhỏ được đặt trong khuôn viên của sân trường, thường là dưới những bóng cây xanh nhằm tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong thời gian rảnh rỗi.
Cùng với việc mở rộng không gian đọc sách, nhiều trường học còn tổ chức thêm nhiều hoạt động để cổ vũ cho việc đọc sách của học sinh. Phổ biến nhất là cuộc thi kể chuyện theo sách, ngày hội đọc sách, giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách… Những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy học sinh đọc sách, dần xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa) đọc sách tại thư viện thân thiện ở hành lang lớp học.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa) đọc sách tại thư viện thân thiện ở hành lang lớp học.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa), ngoài thư viện chung của trường và tủ sách nhỏ tại các lớp học, nhà trường còn có góc thư viện của các khối lớp. Đây là các không gian đọc sách mở, được sắp xếp tại các hành lang của lớp học. Học sinh được tự do lấy sách đọc và được hướng dẫn trả sách về vị trí cũ sau khi đọc sách. Không gian đọc sách mở này là điểm đến ưa thích của nhiều học sinh trong giờ ra chơi hoặc khi đợi cha mẹ đến đón sau giờ tan trường. Không chỉ có sách, không gian này còn có cả bàn, ghế nhỏ để học sinh ngồi vẽ tranh, viết bài…
Tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), ngoài thư viện thân thiện, rộng rãi, nhà trường còn bố trí nhiều tủ sách di động trong khuôn viên trường. Đó là những tủ sách nhỏ, có cánh tủ bằng kính để học sinh có thể nhìn thấy các cuốn sách bên trong tủ, đồng thời bảo vệ sách. Những tủ sách này được bố trí dưới bóng cây, nơi rộng rãi và vừa tầm với của học sinh để tạo thuận lợi cho các em lấy sách, đọc sách.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây