(CTT-Đồng Nai) - Với hệ thống di tích có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn cùng các điểm đến du lịch sinh thái độc đáo, huyện Nhơn Trạch đang hướng tới khai thác tiềm năng, hình thành các tour du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Đoàn khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch về nguồn tại huyện Nhơn Trạch.
Đoàn khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch về nguồn tại huyện Nhơn Trạch.
Nhiều tiềm năng du lịch
Những năm qua, Nhơn Trạch đã có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo nên một Nhơn Trạch sầm uất. Các khu công nghiệp, hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng xã hội được đầu tư mới, nâng cấp và sửa chữa hàng loạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Cùng với những giá trị về lịch sử, văn hóa địa phương, huyện Nhơn Trạch còn có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái rừng, du lịch đường sông cũng như những giá trị về văn hóa ẩm thực độc đáo như: các món ăn đặc sản vùng nước lợ, thương hiệu Trà Phú Hội, các đặc sản làng nghề…Ngoài ra, để khai thác lợi thế ven sông, những khu du lịch sinh thái ra đời nhiều năm nay, thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm như: Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng với thương hiệu là Khu du lịch được yêu thích nhất năm 2024 và hiện đang có 2 đề cử được vào top 7 Ấn tượng Việt Nam do Báo Sài Gòn - Tiếp thị tổ chức định kỳ hàng năm.
Huyện Nhơn Trạch đang tăng tốc, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển dựa trên những tiềm năng lợi thế. Để du lịch phát triển bền vững, lãnh đạo huyện đang đẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm để tạo sự kết nối trong phát triển du lịch.
Ông Điền cho rằng, việc liên kết với các sở, ngành khảo sát, tọa đàm để lấy ý kiến đóng góp cho phát triển du lịch rất được lãnh đạo địa phương quan tâm. “Qua những ý kiến đóng góp khách quan sẽ giúp địa phương có thêm thông tin, khác phục những hạn chế để khai thác bền vững những thế mạnh về du lịch trong thời gian tới.

Đoàn khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch về nguồn tại huyện Nhơn Trạch.
Đoàn khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch về nguồn tại huyện Nhơn Trạch.
Khai thác du lịch di tích kết hợp du lịch sinh thái
Cùng với những giá trị về di tích, lịch sử và những điểm đến sinh thái, Nhơn Trạch còn có hệ thống đình, đền, chùa rất phong phú, thể hiện nếp sống, phong tục lâu năm của người dân địa phương với những giá trị văn hóa, con người đặc sắc mà du khách nên một lần trải nghiệm.
Với các điểm đến như: Di tích Địa đạo Nhơn Trạch, Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch, Bia tưởng niệm các liệt sĩ của Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác…huyện Nhơn Trạch có đủ “chất liệu” để xây dựng câu chuyện, phát triển thành sản phẩm du lịch di tích, về nguồn, thu hút khách du lịch đến tham quan các giá trị độc đáo.
Đến Nhơn Trạch, điểm dừng chân đầu tiên trong chuỗi tham quan các di tích, danh thắng của các đoàn du khách là Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch tại xã Long Thọ. Theo tư liệu, Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch được xây dựng để ghi ơn, tưởng nhớ anh linh của hơn 2 ngàn anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến và hy sinh trên mảnh đất Nhơn Trạch. Đặc biệt ở chỗ, công trình này được hình thành dưới sự chung tay của các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 25 năm qua, Đền thờ là biểu tượng truyền thống cách mạng vẻ vang của người dân Nhơn Trạch nói riêng và người dân tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Địa đạo Nhơn Trạch là một trong những căn cứ bí mật quan trọng, bởi đây là nơi Huyện ủy Nhơn Trạch làm việc và chỉ đạo các cuộc tấn công. Địa đạo Nhơn Trạch nằm dưới lòng đất ở độ sâu từ 5m - 7m. Đường trong địa đạo được đào dạng zích zắc, có nhiều ngách rẽ sang hai bên, giúp cán bộ, chiến sĩ di chuyển hoặc thoát thân nếu chẳng may gặp nạn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chứng kiến những hy sinh, mất mát của dân tộc, ngày nay, Di tích Địa đạo Nhơn Trạch trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn cho rất nhiều du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên hiện nay.
Từ địa đạo, đi sâu vào khu vực bến cảng Phước An để đến Bia tưởng niệm các liệt sĩ của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã anh dũng hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Những bài học lịch sử, những câu chuyện về sự kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ đã lay động trái tim các thế hệ mai sau.
Bà Hà Uyên Thy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong chương trình giáo dục của học sinh, việc tổ chức các buổi học ngoại khóa kết hợp tham quan di tích lịch sử là một trong những môn học bắt buộc theo quy định. Lâu nay các nhà trường thường chọn đến các địa chỉ đỏ nổi tiếng như: Địa đạo Củ Chi, Dinh độc lập tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Văn miếu Trấn Biên, Di tích Nhà lao Tân Hiệp và một số điểm khác tại thành phố Biên Hòa mà không biết đến những địa chỉ đỏ ở Nhơn Trạch với những câu chuyện lịch sử rất hay và ý nghĩa. Bà Thy mong rằng thời gian tới, Nhơn Trạch sẽ trở thành điểm đến về nguồn cho học sinh trên địa bàn tỉnh để các em hiểu được truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quân và dân Đồng Nai trong lịch sử giải phóng dân tộc.