(CTT - Đồng Nai) – Gắn bó với công tác Đoàn chưa lâu nhưng chị Phạm Lê Diệu Hằng, Bí thư Đoàn xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) đã tạo được dấu ấn trong công tác Đoàn và Phong trào thanh niên tại địa phương.
Chị Hằng cho biết, trước đây chị là nhân viên đào tạo của một công ty thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập khá ổn. Tuy nhiên, sau khi kết hôn chị xin nghỉ việc theo chồng về Định Quán sinh sống. Có trình độ năng lực, lại năng động sáng tạo, đặc biệt là có nguyện vọng được tham gia công tác tại địa phương nên chị được giới thiệu bầu làm Bí thư Đoàn xã Phú Ngọc.

Bai 6: Chị Phạm Lê Diệu Hằng trao đổi ý kiến tại Talkshow Khởi nghiệp cùng doanh nhân trẻ do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức
Bai 6: Chị Phạm Lê Diệu Hằng trao đổi ý kiến tại Talkshow Khởi nghiệp cùng doanh nhân trẻ do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức
Từ khi nhận nhiệm vụ, chị thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN. Từ đó, chị triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên, những mô hình mới góp phần thu hút thanh niên, đa dạng hoạt động Đoàn và đóng góp cho cộng đồng.
Trong đó, liên quan đến chuyển đổi số, chị Hằng đã triển khai cho Đoàn xã thực hiện công trình chuyển đổi số cho thanh niên. Ngoài việc bố trí ĐVTN hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã, trong năm 2024, Đoàn xã đã làm 2 mã QR-Code. Một mã QR-Code tích hợp thông tin, hình ảnh về Khu Di tích lịch sử chiến thắng La Ngà đặt trong khuôn viên khu di tích phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của ĐVTN, các tầng lớp nhân dân và du khách khi tới địa chỉ đỏ này. Mã QR-Code còn lại tích hợp thông tin về trưởng ấp, các khu dân cư, số điện thoại liên hệ công an, số liệu người dân tham gia bảo hiểm, người dân sử dụng số điện thoại di động, điện thoại thông minh và nhiều thông tin về người dân ở khu dân cư ấp 4.
Góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cải thiện môi trường nông thôn mà còn giảm lượng rác thải ra môi trường, chị Hằng đã triển khai mô hình Hành trình thứ 2 của lốp xe. Theo đó, các chi đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia sưu tầm, thu gom vỏ xe ô tô, xe máy trong và ngoài địa bàn xã. Sau đó, tổ chức cho ĐVTN dùng sơn đủ màu sắc để tạo ra những chiếc vỏ xe bắt mắt. Những chiếc vỏ xe ô tô sau khi sơn được dùng làm bồn hoa mười giờ dọc các khu dân cư của ấp 4 của xã (ấp 4 đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu). Còn vỏ xe máy dùng làm những chiếc pano tuyên truyền pháp luật gắn dọc khu dân cư ấp 4.
Ngoài ra chị còn triển khai các mô hình, như: bán hoa vào dịp lễ tết, livestream bán tượng đã tô để gây quỹ học bổng chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm động lực vượt khó đến trường.
Không chỉ làm tốt vai trò thủ lĩnh thanh niên, chị Hằng còn là một trong những người trẻ ở địa phương tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Từ mô hình nuôi và chế biến các sản phẩm từ yến, mỗi năm sau khi trừ chi phí đã đem lại cho gia đình chị thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.
Bên cạnh mô hình chế biến tổ yến, chị Diệu Hằng còn phối hợp với một người bạn mở quán kinh doanh đồ uống dành cho giới trẻ vừa để kinh doanh, vừa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ. Từ đó giúp chị có thể đề ra được những hoạt động phù hợp hơn với ĐVTN.