Trong những ngày mùa thu lịch sử, cả nước hân hoan trong không khí mừng kỷ niệm ngày Tết độc lập, dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác trước quảng trường Ba Đình dâng trào những cảm xúc đặc biệt, rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Cũng tại đây 73 năm về trước, ngày 2-9-1945, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Cũng ngày này 24 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và bạn bè quốc tế niềm tiếc thương vô hạn.
Xúc động, tự hào
Trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông đón Tết Độc lập, trong trái tim, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nền độc lập hôm nay. Sự tưởng nhớ ấy được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Có gia đình thắp hương nhớ Bác ngay tại bàn thờ, có những người lại hòa vào dòng người vào Lăng viếng Bác để cùng tưởng nhớ vị Lãnh tụ kính yêu. Trong dòng người xếp hàng vào Lăng viếng Bác trong những ngày mùa thu lịch sử, ai nấy đều rưng rưng xúc động. Chị Nguyễn Thị Nguyên đến từ Hà Nam cho biết: “Tôi là nông dân nên dù rất kính nhớ Bác nhưng không có điều kiện ra Hà Nội thăm viếng Bác. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Người, lại đúng vào dịp cả nước đang hướng đến ngày Tết độc lập nên rất xúc động, tự hào”.
Vượt chặng đường từ Cà Mau ra Hà Nội với mong muốn được một lần viếng Bác, cựu chiến binh Trần Minh Tân, 76 tuổi không giấu được xúc động. Ông Tân chia sẻ: Được nhìn thấy Bác là mong mỏi bấy lâu và giờ đã được thỏa nguyện. Tôi vui và xúc động vì đã hoàn thành tâm nguyện và sống xứng đáng với bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Còn sống ngày nào cũng phải rèn luyện bản thân và giáo dục con cháu nỗ lực học tập, noi gương theo lời dạy của Bác, vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Dòng người vào Lăng viếng Bác những ngày cuối tháng 8-2018.
Hòa vào dòng người vào Lăng viếng Bác có những người với thân thể không lành lặn, họ phải ngồi xe lăn với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Bác. Một chiến sĩ trong đội gác trực tâm sự, đối với các anh, mỗi khi thực hiện công việc này cũng đều mang một cảm xúc đặc biệt đó là niềm tự hào thiêng liêng. Đặc biệt trong những ngày lễ, chứng kiến dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác với sự kính trọng, xúc động khôn nguôi. Đồng chí Bùi Khắc Tân, Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) kể lại, một lần làm nhiệm vụ, các anh đã giúp đỡ cho một nữ nhà văn Nhật Bản bị liệt hai chân được vào Lăng viếng Bác, bà xúc động nói lời cảm ơn vì đã thực hiện được mơ ước lớn nhất trong đời…
Điều đặc biệt là tuy số lượng đồng bào và khách quốc tế đến rất đông nhưng dòng người vẫn lặng lẽ xếp hàng để vào Lăng viếng Bác. Nhịp chân khi xếp hàng chờ được vào viếng Bác càng hối hả bao nhiêu, thì khi đứng bên Người lại càng chậm rãi bấy nhiêu. Khoảnh khắc xúc động, thiêng liêng khiến những đôi mắt như muốn dừng lại và bước chân cố níu chậm hơn. Thật khó diễn tả hết cảm xúc khi đứng bên và ngắm nhìn Người đang an lành trong giấc ngủ ngàn thu. Khuôn mặt Người vẫn rạng ngời niềm vui như ngày toàn thắng.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Quân đội và nhân dân Việt Nam, Người đã được thế giới vinh danh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Sau khi Người đi vào cõi vĩnh hằng, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài của Người và xây dựng Lăng giữa quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là nhiệm vụ chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Nhiệm vụ rất vinh dự, nhưng cũng hết sức nặng nề này được giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đoàn 69, tiền thân của Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay”.
Hướng dẫn viên giới thiệu khu di tích Nhà sàn Bác Hồ với các đoàn tham quan.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt (tháng 9-1969), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia y tế, kỹ thuật Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, chiến sĩ, người lao động của Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho. Đặc biệt, đã từng bước tiếp cận và làm chủ kỹ thuật y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và khách quốc tế với hình ảnh người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác Hồ trung thành, tận tụy, chủ động, sáng tạo, văn minh, lịch sự, ân cần, chu đáo, khiêm nhường, trong sáng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; thi hài Bác được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất; hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng hoạt động an toàn, tin cậy; bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Khu di tích K9; cảnh quan, kiến trúc, môi trường khang trang, sạch, đẹp phù hợp với kiến trúc của khu vực.
Mới đây, trong chuyến trực tiếp kiểm tra việc tu bổ công trình Lăng phục vụ đón tiếp đồng bào và du khách dịp Quốc khánh 2-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Bác tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ chu đáo đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác và tham quan các khu vực. Phối hợp với các bộ, ngành tổ chức, tạo điều kiện để các đoàn gia đình chính sách được vào viếng Người khi về tham quan Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ; không ngừng nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ đón tiếp nhằm tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi khách tham quan.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự tin tưởng đối với cán bộ, công nhân viên Ban quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng Bác trong giai đoạn mới.
Trên 1,5 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác
Trung bình mỗi ngày, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón từ 15.000 - 30.000 lượt đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác. Tính từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Lăng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 1,5 triệu lượt người vào viếng Bác, trong đó có hơn 350.000 lượt khách nước ngoài; phục vụ trên 1.500 đoàn xem phim, tặng hơn 5.000 Huy hiệu Bác Hồ; phục vụ trên 120 đoàn sinh hoạt chính trị tại Khu di tích K9; đón tiếp và phục vụ trên 300.000 lượt người đến dâng hương tưởng niệm và tham quan khu vực…
Nguyệt Hà
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập