Sáng tạo không ngừng để làm chủ công nghệ

Thứ sáu - 31/08/2018 00:49
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ý thức được trách nhiệm tiên phong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chính trị, chuyên môn, kỹ thuật, phát huy sáng kiến sáng tạo, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển tỉnh nhà. Đồng hành cùng CNLĐ trong quá trình ấy, các cấp Công đoàn đã có chương trình hành động thiết thực, hiệu quả.​

Công nhân chủ động rèn nghề

Năm 2009, chị Đoàn Thị Quyết, hiện là Phó chủ tịch CĐCS, Quản lý xưởng A, Công ty TNHH Advanced Multitech (huyện Nhơn Trạch) rời Thanh Hóa vào Đồng Nai lập nghiệp với xuất phát điểm là công nhân trực tiếp sản xuất. Trong quá trình làm việc và quan sát đồng nghiệp cùng làm, chị phát hiện nguyên vật liệu bị lãng phí rất nhiều. Cụ thể như với các vật liệu keo, cát..., khi còn ít công nhân thường có thói quen bỏ đi thay vì để lại sử dụng; đường chuyền sản xuất chưa thực sự khoa học gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển cũng như chất lượng hàng. Chị Quyết đã đề xuất cải thiện lưu trình, đồng thời nhắc nhở các công nhân dùng nguyên vật liệu tiết kiệm. Nhờ đó, hiệu suất từ 75% được nâng lên 95%, các nguyên vật liệu dư có thể điều chỉnh định mức nguyên vật liệu tái sử dụng. Đó là 1 trong số 8 đề xuất cải tiến hữu ích của chị Quyết được Ban giám đốc công ty khen thưởng.

Chị Quyết cho biết, trong thời gian 9 năm làm việc tại công ty, nhờ không ngừng học hỏi, sáng tạo trong công việc, chị từ một công nhân sản xuất được cất nhắc lên làm tổ trưởng, trưởng bộ phận sản xuất, rồi quản lý xưởng A. Làm việc trách nhiệm lại tận tâm giúp đỡ đồng nghiệp và nhân viên trong tổ, năm 2013 chị được bầu làm Tổ trưởng Công đoàn, rồi Phó chủ tịch CĐCS. Và, ở vị trí nào chị cũng được công ty và người lao động đánh giá cao tinh thần và năng lực làm việc. Với những nỗ lực của bản thân, chị Quyết được công ty, LĐLĐ huyện khen thưởng. Mới đây nhất, chị được nhận bằng khen của LĐLĐ tỉnh về gương “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”. “Học hỏi và sáng tạo không ngừng để làm chủ công nghệ chính là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định vai trò của người lao động trong doanh nghiệp. Bản thân mình luôn ý thức thực hiện điều này”, chị Quyết cho hay.


 Công nhân làm việc tại nhà máy Nestle Trị An (khu công nghiệp Amata).

Cũng có xuất phát điểm từ vị trí công nhân trực tiếp sản xuất, đến nay, anh Dương Thanh Dược, quản lý bộ phận BU, Công ty TNHH Taekwang MTC Việt Nam (KCN Long Bình, TP. Biên Hòa) đã trở thành quản lý của một xưởng sản xuất hơn 2.000 công nhân. Anh còn là chủ nhân của rất nhiều sáng kiến được công ty đưa vào áp dụng trong sản xuất. Chia sẻ về sáng kiến mới nhất của mình, anh Dược cho biết, theo quy trình làm đế giày trước đây, để thực hiện công đoạn vệ sinh các vật liệu làm đế giày, sau khi công nhân thực hiện xong công đoạn cắt tỉa các vật liệu theo đúng mẫu, hàng sẽ được thả lên băng chuyền; ở cuối băng chuyền, sẽ có một công nhân khác đứng sẵn trực để bốc hàng đưa lên máy rửa ở gần đó. Nhận thấy công việc của người công nhân đứng ở vị trí này khá vất vả và tốn nhiều sức lực, nhưng lại không thật sự mang hiệu quả trong việc nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm, anh đã nghĩ cách loại bỏ công đoạn này. Theo đó, anh đề xuất với công ty đề nghị đơn vị cung cấp máy rửa hạ thấp độ cao của máy; đồng thời, cải tiến hạ thấp độ cao của băng chuyền và bố trí máy rửa sát với băng chuyền. Nhờ vậy, người công nhân đầu chuyền chỉ cần thả hàng lên băng tải, hàng sẽ tự động vào máy rửa mà không cần thêm nhân công thực hiện công đoạn trung gian. Sáng kiến này đã giúp công ty giảm được 24 nhân công ở công đoạn vệ sinh vật liệu làm đế giày mỗi ngày, từ đó, làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ tích cực sáng kiến sáng tạo, anh còn không ngừng rèn luyện khả năng ngoại ngữ của mình. Hiện anh đã có bằng cử nhân Anh văn và có thể giao tiếp thành thạo với lãnh đạo người nước ngoài tại công ty và khách hàng. “Nỗ lực hết mình để làm tốt công việc chính là cách tự nâng cao trình độ và thu nhập của mình”, anh Dược khẳng định. Anh Dược đã từng nhiều lần được công ty và các cấp Công đoàn khen thưởng.

Bằng tinh thần tích cực lao động sáng tạo của bản thân CNLĐ cùng sự quan tâm, động viên kịp thời của tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp, chỉ tính riêng trên địa bàn KCN Biên Hòa, Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 10.000 sáng kiến lớn nhỏ của CNLĐ với giá trị làm lợi trên 11 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Tại LĐLĐ TP.Biên Hòa cũng đã có 386 sáng kiến cải tiến, mẫu mã hàng mới trong sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng...

Và sự vào cuộc của Công đoàn

Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động là một trong những yếu tố quyết định tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; từ đó ổn định quan hệ lao động. Thời gian qua, Công đoàn các cấp đã tích cực phối hợp với chủ sử dụng lao động phát động, tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy cải tiến kỹ thuật, các hội thi luyện tay nghề, thi thợ giỏi thường xuyên và sôi nổi trong công nhân viên chức lao động... Từ đó, người lao động ngày càng ý thức được việc học tập nâng cao trình độ, tay nghề vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, vừa thực hiện trách nhiệm của mình với doanh nghiệp. Nhiều CNLĐ đã dần trưởng thành, đảm nhận vị trí quan trọng trong quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như tổ trưởng, quản lý, quản đốc... Nhiều CĐCS còn chủ động thương thảo với chủ doanh nghiệp đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc vào thỏa ước lao động tập thể để người sử dụng lao động hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về thời gian cho CNLĐ. Ở một số doanh nghiệp, các lớp học ngoại ngữ, phổ cập tin học, lớp tuyên truyền tư vấn pháp luật được mở thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập của CNLĐ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thật sự tạo điều kiện và khuyến khích người lao động nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp; một bộ phận công nhân chưa nhận thức rõ quyền và trách nhiệm cá nhân trong việc học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp nên không mặn mà với việc học tập. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng lao động trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đưa việc áp dụng máy móc công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất nhằm giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, nếu không nâng cao trình độ tay nghề, người lao động có thể bị loại khỏi thị trường lao động.

Nhận thức rõ điều đó, các cấp Công đoàn tỉnh xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục cùng với cơ quan chức năng, doanh nghiệp xây dựng triển khai nhiều giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chính trị, nghề nghiệp cho cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ, pháp luật, kỹ năng sống, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, từ đó tham mưu cho chủ sử dụng lao động tổ chức thi tay nghề hàng năm; vận động doanh nghiệp đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động vào hội nghị người lao động, thỏa ước lao động tập thể; tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng ngành nghề…

Kết quả phấn khởi

Sự vào cuộc tích cực của Công đoàn cùng tinh thần cầu tiến của người lao động đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Theo LĐLĐ tỉnh, đến nay, đã có 61% đoàn viên và người lao động có trình độ văn hóa tối thiểu là bậc trung học phổ thông; 57% đoàn viên và người lao động qua đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. Phần lớn những lao động qua đào tạo nghề đều phát huy được tay nghề, làm chủ công nghệ; có những sáng kiến, sáng tạo giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm sức lao động, từ đó nâng cao năng suất. Thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động trên địa bàn tỉnh đang dần được nâng lên; số lượng CNLĐ được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ năm sau cao hơn năm trước.

H. Lộc - H. Thảo

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây