Những năm gần đây, Bệnh viên đa khoa (BVÐK) Ðồng Nai và BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai đã tập trung phát triển mạnh lĩnh vực can thiệp tim mạch. Nhờ đó, đã cứu sống nhiều ca bệnh tim phức tạp.
Xử lý những ca bệnh phức tạp
Mới đây, BVÐK Ðồng Nai lần đầu tiên thực hiện ca nong van động mạch phổi cho bệnh nhân Lê Thị Mười, 41 tuổi, tạm trú tại ấp Long Khánh 1, xã Tam Phước, huyện Long Thành. Ths. BS. Nguyễn Thanh Nhật, Khoa Tim mạch can thiệp, người trực tiếp thực hiện nong hẹp van động mạch phổi cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Bệnh nhân khá lớn tuổi, bị hẹp van động mạch phổi và hẹp phễu đi kèm, thất phải của bệnh nhân khá dày, độ chênh áp lên đến 150mmHg (cao gấp 15 lần so với bình thường).
Các bác sĩ BVĐK Đồng Nai đang tiến hành nong van động mạch phổi cho bệnh nhân.
Do van động mạch phổi quá hẹp trong nhiều năm đã khiến lưu lượng máu lên phổi giảm, làm giảm khả năng gắng sức, làm việc của bệnh nhân. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ tử vong. Y văn khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh này không nên sinh con trước khi can thiệp nong van động mạch phổi. Do việc sinh con cần sự gắng sức nhiều, bệnh nhân có thể tử vong. Bệnh nhân Mười may mắn đã trải qua ca sinh con thành công nhưng do tình trạng hẹp van động mạch phổi lâu ngày, dù được nong thì độ chênh áp của bệnh nhân sẽ không xuống tức thời như những ca bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, sau ca can thiệp này, bệnh nhân vẫn phải điều trị nội khoa để giảm độ chênh áp.
Khi thực hiện ca nong van động mạch phổi cho bệnh nhân Mười, các bác sĩ khá vất vả trong việc tìm đường để đưa bóng vào nong phần hẹp. BS. Nhật cho biết thêm, bệnh nhân nhập viện khá trễ, lại bị hẹp 2 vị trí, vừa van động mạch phổi, vừa phễu. “Phần van động mạch phổi quá hẹp trong thời gian dài khiến cho các mô vùng phễu dính cơ tim bị xơ hóa. Do đó, khi đưa bóng vào nong đã bị trượt. Chúng tôi phải tiến hành nong nhiều lần mới xử lý được tình trạng của bệnh nhân”, BS. Nhật chia sẻ.
Một năm trước, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai cũng thực hiện ca nong hẹp van động mạch phổi cho bệnh nhân Nguyễn Thị Rưng (30 tuổi, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom). Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định sức khỏe, không còn tức ngực, khó thở như trước đây. BS. Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai cho biết, bệnh nhân Rưng bị hẹp van động mạch phổi bẩm sinh có độ chênh áp lên đến trên 50mmHg, có phình động mạch phổi sau van, gây cản trở đường tống máu lên phổi, khiến bệnh nhân có những cơn mệt, khó thở. Nếu không can thiệp sớm, bệnh nhân sẽ bị nhiều biến chứng như viêm màng trong tim, suy bên phải tim, loạn nhịp, thậm chí có thể đột tử.
Tập trung phát triển chuyên sâu
Bs. Huy cho hay, để phát hiện căn bệnh này, bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật siêu âm hẹp van động mạch phổi, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu. Khi nong van động mạch phổi, các bác sĩ sử dụng một loại bóng đặc biệt (bóng Tyshak II, chỉ dùng trong kỹ thuật nong động mạch phổi) đi qua tĩnh mạch đùi lên động mạch phổi. “Cái khó trong kỹ thuật này là thời gian nong bóng không được phép quá 10 giây. Quá thời gian trên, máu từ tâm thất phải lên phổi sẽ bị ngắt dòng, bệnh nhân sẽ tử vong”, BS. Huy cho hay.
Khi đưa bóng lên phổi để nong, bác sĩ phải ngắt dòng máu lên phổi. Lúc này, ôxy còn sót lại vẫn có thể nuôi được cơ thể trong vòng 10 giây. Nếu bác sĩ để quá thời gian trên sẽ không có máu đưa lên phổi và nuôi cơ thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, bác sĩ chỉ được phép nong 1 lần 10 giây rồi nghỉ để nong tiếp đến khi mức chênh áp đạt yêu cầu. Khi bắt đầu nong, phải có sự phối hợp ăn ý giữa người bơm bóng và người giữ ống đúng vị trí van. Bắt đầu bơm bóng là máy đếm thời gian, gần 10 giây, người bơm bóng phải xả bóng. Các thao tác này diễn ra rất nhanh, dù y văn đã hướng dẫn cụ thể nhưng để thực hiện đúng là điều không dễ dàng.
BS. Huy cho biết, trước đây, các ca nong van động mạch phổi đều phải chuyển lên tuyến trên. Nhưng từ khi các trung tâm can thiệp tim mạch đi vào hoạt động, nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý về tim mạch đã được cứu sống. “Chúng tôi không chỉ hợp tác với các bệnh viện tuyến trên mà còn hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để thực hiện những ca can thiệp có tính chất phức tạp. Nhưng hiện các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện được khoảng 96% các kỹ thuật liên quan đến can thiệp tim mạch. Các ca bệnh quá khó, chúng tôi sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng tỷ lệ chuyển viện ngày càng thấp”, BS. Huy nói.
Một điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công các ca bệnh này là dù ca can thiệp hẹp van động mạch phổi lần đầu tiên được thực hiện tại BVÐK Ðồng Nai nhưng bản thân BS. Nguyễn Thanh Nhật đã có 16 năm làm việc về lĩnh vực này tại Viện tim TP. Hồ Chí Minh. Gần đây, BS. Nhật đã chuyển về làm việc tại BVÐK Ðồng Nai. Ngoài ra, bệnh viện cũng đào tạo ê kíp thực hiện kỹ thuật này. Vì vậy, những bệnh nhân như bà Mười có thể được điều trị ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
Thực hiện hàng ngàn ca can thiệp tim mạch
Trong những năm gần đây, lĩnh vực can thiệp tim mạch đã phát triển mạnh tại BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai. Cụ thể, trong hơn 4 năm hoạt động, nhờ sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai đã thực hiện hơn 3.000 ca can thiệp tim mạch, cứu sống nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Còn BVĐK Đồng Nai cũng cứu sống hơn 3.000 ca bệnh cần can thiệp tim mạch. Để phát triển chuyên khoa sâu, các bệnh viện này đặc biệt chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, vừa thu hút bác sĩ giỏi từ TP. Hồ Chí Minh về làm việc, vừa đưa bác sĩ lên các bệnh viện tuyến trên học tập. Cùng với đó, các bệnh viện cũng đưa một số bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập