Những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học trung cấp nghề kết hợp học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) ngày càng tăng. Việc thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS đã góp phần đáp ứng thị trường lao động, giải được bài toán “thừa thầy thiếu thợ” lâu nay.
Học sinh Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành
Học sinh học nghề sau THCS không ngừng tăng
3 năm gần đây, năm nào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cũng tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu hệ trung cấp nghề. Theo đó, trung bình, hàng năm, trường này được UBND tỉnh giao chỉ tiêu khoảng 950 học sinh học nghề nhưng số lượng thực tuyển đều lên đến 1.000 đến hơn 1.100 học sinh. Học sinh vào học nghề trung cấp tại trường đều kết hợp học chương trình phổ thông hệ GDTX.
Không chỉ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, các trường cao đẳng có đào tạo hệ trung cấp phối hợp với dạy văn hóa chương trình GDTX ở Đồng Nai đều rất thuận lợi trong tuyển sinh đối tượng học sinh này. Những năm gần đây, số lượng tuyển sinh đầu vào hệ trung cấp của các trường như: Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (H.Trảng Bom), Cao đẳng nghề Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom), Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) cũng luôn đạt con số trên dưới 1.000 học sinh trung cấp/năm.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB-XH, năm 2014, Đồng Nai chỉ tuyển được hơn 4.000 học sinh trung cấp thì năm 2016, con số này tăng lên gần 7.000. Năm 2017 ghi dấu sự tăng vọt trong tuyển sinh trung cấp với gần 11.800 chỉ tiêu; năm 2018 là gần 11.900 chỉ tiêu. Năm 2019 số học sinh trung cấp nghề kết hợp học chương trình GDTX là hơn 12.200 em.
Đáp ứng thị trường lao động
Không phải tất cả các học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề đều tham gia ngay vào thị trường lao động. Tùy theo năng lực và định hướng của bản thân, gia đình, các em có những lựa chọn khác nhau. Theo đó, nhiều em đi làm ngay để phụ giúp gia đình, một số lại lựa chọn học liên thông lên cao đẳng nghề, số ít còn lại sẽ đi học đại học.
Theo TS. Trịnh Thanh Toản, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hòa Bình Xuân Lộc, sau khi tốt nghiệp trung cấp, có khoảng 20% học sinh của trường học liên thông lên cao đẳng nghề; một số em có học lực khá thì chọn vào đại học; khoảng 50% học sinh của trường nay sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề sẽ đi làm ngay, trong thời gian đi làm, nhiều em vẫn tiếp tục học lên trình độ cao hơn theo chương trình vừa làm vừa học.
Theo TS. Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai, học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp của trường khi đi làm thường có mức lương thấp nhất là 6 triệu, phổ biến ở mức khoảng 8 triệu, cá biệt có nhiều em mới ra trường đã có được mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.
ThS. Trần Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới - Thủy lợi cho hay, tại Đồng Nai, Trường Cơ giới - Thủy lợi và Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 được tổ chức GIZ (Đức) hỗ trợ thực hiện Công cụ lần vết học sinh sau tốt nghiệp. Đến nay, nhà trường đã thực hiện được 3 năm. Kết quả cho thấy đa số học sinh tốt nghiệp trung cấp của trường đều có việc làm ổn định với mức lương khá.
Với những học sinh có lực học khá - giỏi ở bậc THCS mà vẫn quyết định học trung cấp nghề, nhiều em xem tấm bằng nghề là một bước đệm để mình tiến xa hơn nữa. Theo đó, sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em sẽ học liên thông lên cao đẳng rồi liên thông tiếp lên đại học. Tổng thời gian học liên thông này là 2 năm rưỡi (cao đẳng 1 năm, đại học 1,5 năm). Như vậy, các em tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc so với con đường học đại học thông thường.
Cùng với đó, học sinh trung cấp khi liên thông lên cao đẳng, đại học thường có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn vì các em được thực hành nhiều trong quá trình học nghề. Do vậy, cơ hội việc làm và mức thu nhập của đối tượng lao động này cũng khá hơn so với đối tượng sinh viên học đại học theo cách thông thường.
Hoàng Giang
Box: Phân luồng học sinh sau THCS sẽ tiếp tục tăng
Tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Theo đề án này, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đến năm 2025 là 40%. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, những năm tới đây, tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS ở Đồng Nai chắc chắn sẽ còn tăng nữa.