Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; các di tích lịch sử được chú trọng bảo tồn và phát huy giá; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu… Đó là những kết quả nổi bật mà ngành VH-TTDL đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Đồng bào Chơ ro TP.Long Khánh làm cơm lam tham gia lễ hội Sayangva hàng năm
Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa
Trước đây, đồng bào Mường ở ấp Tân Lập (xã Phú Túc, H.Định Quán) không thể sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều đặn vì thiếu điểm sinh hoạt và cũng không thể hòa tấu cồng chiêng, bởi không còn nhạc cụ, không có người khởi xướng. Quan tâm đến đời sống của đồng bào, năm 2019 H.Định Quán đã đầu tư xây dựng gần 9 tỷ đồng xây dựng hà văn hóa dân tộc Mường. Công trình Nhà văn hóa dân tộc Mường được khánh thành đầu năm 2020 với diện tích đất gần 5.400 m2. Các hạng mục gồm: Nhà truyền thống của người Mường 1 trệt , 1 lầu; nhà bảo vệ, sân bóng đá mini, khu vui chơi giải trí, vườn hoa cây cảnh…
Bà Quách Thị Hồng Nguyệt, Chi hội phụ nữ ấp Tân Lập cho biết: “Hiện nhà văn hóa hiện đã trưng bày đầy đủ các hiện vật của đồng bào Mường, trang thiết bị, tủ sách…Từ ngày khánh thành, bà con trong ấp, trong xã thường xuyên đến sinh hoạt văn hóa, thể thao, biểu diễn văn nghệ. Các câu lạc bộ, nhóm tập luyện bóng chuyền, bóng đá, thể dục dưỡng sinh lần lượt được thành lập...Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng ấy, ban ấp đã lồng ghép tuyên truyền về tổ chức việc cưới, việc tang và văn minh trong lễ hội”.
Tại H.Vĩnh Cửu, trong số hàng chục thiết chế văn hóa được xây dựng, nổi bật là khu thể thao kết hợp công viên huyện được đầu tư xây dựng từ năm 2017, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6-2018. Trong đó, khu thể thao bao gồm sân tennis, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông; khu vui chơi trẻ em ngoài trời (xây dựng từ nguồn xã hội hóa) và khu công viên được đầu tư lắp đặt các dụng cụ thể thao, hệ thống cây xanh, đường giao thông, trò chơi thiếu nhi...
Cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin H.Vĩnh Cửu Đinh Xuân Hiếu cho biết, những năm qua, các thiết chế văn hóa, thể thao được huyện chú trọng đầu tư. Hiện, trên địa bàn huyện có 1 Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao, 1 thư viện huyện, 1 Nhà Văn hóa kết hợp triển lãm huyện, 11/12 Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã, đạt tỷ lệ 91,67% (thị trấn Vĩnh An sinh hoạt chung với nhà văn hóa huyện). Có 54/65 nhà văn hóa ấp (trong đó, 6 ấp thuộc 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm thuộc diện di dời dân nên không xây dựng). Ngoài ra, có hơn 300 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và 12/12 xã, thị trấn đều có đội văn nghệ quần chúng.
Giai đoạn 5 năm (2015-2020), hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Tại 11 huyện và thành phố, có hàng chục công trình nhà văn hóa cơ sở được xây mới theo đúng tiêu chuẩn, trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, hiệu quả của phong trào xã hội hóa thiết chế văn hóa ở các địa phương đã thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng.
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa
Thống kê của Sở VH-TTDL cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Với nỗ lực bảo tồn di sản mà vẫn giữ được hồn cốt với vẻ riêng biệt, đặc sắc trong sự phát triển đa dạng của đô thị, 5 năm qua Đồng Nai đã chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Hàng chục di tích đã được đầu tư khang trang, như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (H.Vĩnh Cửu); Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (H.Trảng Bom); Thành cổ Biên Hòa, Nhà lao Tân Hiệp (TP.Biên Hòa)...bằng nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh.
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Xuân Nam cho biết, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh được trùng tu, sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa, như: Thất phủ Cổ miếu (chùa Ông, trên 21 tỷ đồng); mộ Nguyễn Đức Ứng và 12 nghĩa binh chống Pháp (trên 12 tỷ đồng); chùa Đại Giác (2,5 tỷ đồng); miếu Tổ Sư (5 tỷ đồng); chùa Bửu Hưng (1 tỷ đồng); chùa Bửu Phong (khoảng 34 tỷ đồng)... Đặc biệt, công tác phân cấp quản lý di tích đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2020, nhiều di tích đã được chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo như: Di tích Văn miếu Trấn Biên, mộ Cự thạch Hàng Gòn; Khu ủy miền Đông Nam bộ, Địa đạo Suối Linh… Một số công trình đã được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, trở thành điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu cho người dân và du khách. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng, gìn giữ giá trị truyền thống; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng phát triển.
Theo Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, Đồng Nai là một trong 21 địa phương phát triển tốt loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đồng Nai đã và đang tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan và giao lưu trong và ngoài tỉnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 30 câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên; tạo sân chơi lành mạnh cho các nghệ nhân, tài tử thể hiện tài năng, phục vụ đông đảo người dân mộ điệu loại hình nghệ thuật này.
Nhân rộng phong trào…
Với phương châm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân làm nội dung trọng tâm, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong đó, chú trọng xây dựng ấp, khu phố văn hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Trong 5 năm qua, các mô hình xây dựng ấp, khu phố vănn hóa; gia đình văn hóa, khu nhà trọ văn hóa...được triển khai và nhân rộng. Hiện, toàn tỉnh có 99,96% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp, khu phố đăng ký đạt chuẩn văn hóa. Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng như: “Ngày thứ bảy vì cộng đồng”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Tổ dân phố không rác”; “Tổ dân phố không tệ nạn ma túy, mại dâm”…được hình thành, phát triển ở các địa phương.
Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, việc giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng luôn được Đồng Nai quan tâm thông qua hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện các đề án về gia đình, nhân rộng mô hình các câu lạc bộ, đội nhóm. Hiện toàn tỉnh có hơn 700 câu lạc bộ gia đình với hơn 20 ngàn thành viên thường xuyên tổ chức sinh hoạt, lồng ghép những nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình. Mô hình điểm tạm lánh được các trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện, kịp thời tư vấn, điều trị cho nạn nhân bị thương tích bạo lực gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ gia đình văn hóa cuối năm luôn đạt 98,89%.
Thanh Thanh