Đồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc sinh sống với dân số trên 3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, diện mạo vùng đồng bào DTTS đã từng bước thay đổi: kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực; đời sống được nâng lên rõ rệt; phong tục, tập quán, nghi lễ văn hóa tốt đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát huy; công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ...
Bà con dân tộc Chơro tại TP.Long Khánh cùng chung vui trong ngày Lễ Hội Sayangva
Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho biết, để có được những kết quả trên, thời gian qua, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tỉnh đã tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, để phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành, nghề dịch vụ nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS. Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao giống, quy trình trồng và sơ chế, bảo quản sản phẩm, thông tin thị trường tiêu thụ nông sản cho hộ DTTS nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng. Tăng cường hỗ trợ thêm nguồn vốn giúp đồng bào phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nhằm tăng thêm thu nhập, giảm và thoát nghèo...
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng xây dựng chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS. Trong đó, có thể thấy rõ là việc đầu tư, khôi phục lại làng nghề giúp cho đồng bào có thu nhập ổn định, phát triển và giới thiệu những sản phẩm truyền thống mang bản sắc dân tộc địa phương. Lao động DTTS tại chỗ với truyền thống sản xuất nghề lâu năm nên có trình độ tay nghề khá cao, nhanh nhạy trong ứng dụng các công nghệ thiết bị hiện đại vào trong sản xuất đã giúp tăng năng suất lao động, đa dạng hóa các sản phẩm.
Cũng theo ông Thổ Út, tỉnh luôn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc. Điều đó được thể hiện ở việc chỉ đạo các cấp, các ngành đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Đời sống văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS đã được triển khai thực hiện toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: GD-ĐT, văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian...
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, phát huy vai trò của mình trong công tác dân tộc, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn chú trọng phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc và giữ vững an ninh trật tự vùng DTTS, miền núi. Phối hợp xây dựng, triển khai hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phối hợp phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS...
Cải thiện mọi mặt đời sống đồng bào
Việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc Thổ Út nhấn mạnh, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên, đồng bào đã có sự chuyển biến tích cực, tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, đồng thời hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển. Đồng Nai không còn ấp đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2014 - 2019, toàn tỉnh giảm được 3.418 hộ nghèo là người DTTS, bình quân mỗi năm giảm được 570 hộ. Mặt khác, vùng đồng bào dân tộc đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, làm giàu cho gia đình và cho xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh. Giai đoạn 2014 - 2019 có trên 1,2 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi (có lợi nhuận sau đầu tư hàng năm từ 50 triệu trở lên).
Một kết quả nổi bật khác là đến nay 100% xã, khu ấp đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia, hộ có điện sinh hoạt đạt 99,15%; hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Các xã có hệ thống loa truyền thanh hoạt động tốt, trải đều đến các ấp và hệ thống thiết bị kỹ thuật hoạt động ổn định, thường xuyên, phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội của đồng bào được khôi phục và phát huy. Trình độ dân trí được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được đảm bảo; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đã giúp cho sức khỏe đồng bào các dân tộc được chăm sóc chu đáo...
Từ đó, đồng bào vui mừng, phấn khởi tạo sự đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nêu cao tinh cảnh giác trước các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo - dân tộc nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trang Thư