Sau hơn 10 làm giảng viên đứng lớp, tháng 11-2019, chị Trần Thị Hà, giảng viên Khoa thực phẩm - môi trường và điều dưỡng (nay là Khoa khoa học ứng dụng và sức khỏe) được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ và trưng bày sản phẩm.
Chị Trần Thị Hà (bìa trái) tham gia và đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019
Vượt khó để vào đại học
Sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh, 6 tuổi chị Trần Thị Hà theo cha mẹ vào Cẩm Mỹ (Đồng Nai) sinh sống và lập nghiệp. Cuộc sống gia đình khó khăn nên từ lúc 6 tuổi, chị Hà một buổi đi học, một buổi đã phải phụ giúp gia đình. Đến năm học lớp 10, chị thi đậu vào một trường THPT ở TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh) và bắt đầu cuộc sống tự lập, không có cha mẹ và người thân bên cạnh.
3 năm học THPT là khoảng thời gian chị làm quen với cuộc sống tự lập. Tốt nghiệp THPT, chị Hà đăng ký thi vào Trường Đại học sư phạm TP.HCM. Thế nhưng may mắn đã không mỉm cười với chị, tấm vé vào giảng đường đại học đã vuột khỏi tầm tay. Nhìn thấy bạn bè đi học chị quyết không bỏ cuộc và nuôi khát vọng thi đại học ở năm tiếp theo. Trong thời gian này, chị Hà lên TP.Biên Hòa ở trọ và xin đi làm công nhân. Thế nhưng, không chịu được áp lực công việc nên sau vài tháng chị nghỉ làm công nhân và xin đi làm gia sư.
Lần thứ 2 chị tiếp tục đăng ký thi vào Trường Đại học sư phạm nhưng cánh cổng trường đại học một lần nữa lại khép chặt với chị. Không thi đậu vào trường đại học nhưng lần này chị Hà lại thi đậu vào ngành sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường Đại học Đồng Nai). Để cha mẹ yên tâm chị chấp nhận học sư phạm tiểu học. Trong suốt 3 năm học sư phạm tiểu học, để bớt gánh nặng cho cha mẹ, chị vừa đi học, vừa đi dạy thêm, đặc biệt là nỗ lực trở thành sinh viên xuất sắc để đạt học bổng của nhà trường.
Sau khi tốt nghiệp, chị về Cẩm Mỹ dạy học nhưng niềm đam mê với các môn khoa học tự nhiên thôi thúc nên được vài tháng chị xin nghỉ lên TP.Biên Hòa tiếp tục đi làm gia sư, vừa luyện thi và giấu gia đình đi thi đại học. Lần này chị chọn thi vào ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học công nghiệp TP.HCM. Gần tốt nghiệp, được thầy giáo định hướng chị thi cao học ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Có được tấm bằng đại học, chị nộp hồ sơ ứng tuyển làm giảng viên Khoa thực phẩm - môi trường và điều dưỡng (nay là Khoa khoa học ứng dụng và sức khỏe, Trường Đại học công nghệ Đồng Nai.
Làm tốt nhiệm vụ được giao
Trở thành giảng viên cũng là lúc chị bắt đầu quá trình học cao học, là lúc chị lập gia đình mang thai đứa con đầu tiên. Chị Hà cho hay thời điểm ấy chị vừa đi dạy, vừa đi học lại vừa lập gia đình và sinh con đầu lòng. Khó khăn, vất vả không sao kể hết. Thế nhưng, mỗi lần đứng trên bục giảng hoặc trò chuyện với sinh viên vào giờ giải lao chị như được tiếp thêm sức mạnh, mọi khó khăn vất vả không đủ sức cản bước tiến của chị. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ giảng dạy trên giảng đường, trong quá trình làm giảng viên chị còn tham gia nghiên cứu khoa học để là gương cho học trò.
Năm 2017, chị Hà là chủ nhiệm đề tài Chả lụa sạch đạt giải ba cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức. Chia sẻ về đề tài này, chị Hà cho hay bản thân chị học và giảng dạy chuyên ngành thực phẩm nên luôn muốn làm ra sản phẩm sạch góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời lấy đó làm kết quả để truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên có thêm niềm tin vào ngành mà mình đã chọn. Điểm đặc biệt, đề tài do chị nghiên cứu không dừng lại ở lý thuyết trên giấy mà được ứng dụng vào thực tiến thông qua việc tạo ra sản phẩm. Với những ưu điểm không hàn the, không chất bảo quản, không chất độn, không phụ gia tạo màu, tạo hương, tạo vị… Với thành công này, chị đang hướng dẫn sinh viên các khóa làm đề tài khóa luận với các sản phẩm chả bò sạch, chả cá sạch…
Trước đó năm 2016 chị Hà còn là tác giả của mô hình tủ cấy vi sinh đang được dùng để phục vụ giảng dạy tại trường. Mô hình tủ cấy vi sinh là một khối hình hộp chữ nhật khép kín, chỉ hở ở cửa thao tác, giúp người sử dụng ngồi bên ngoài tủ cấy tiện làm việc với các đối tượng ở bên trong tủ cấy. Với sáng kiến này, chị Hà đã góp phần tạo ra thiết bị đạt chuẩn dùng để thực hiện thí nghiệm liên quan đến sinh vật, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường, tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học cho nhà trường.
Hiện tại, mới nhận nhiệm Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ và trưng bày sản phẩm, Trường Đại học công nghệ Đồng Nai chưa lâu nhưng chị đã bắt đầu có những đóng góp tích cực ở cương vị mới bằng việc phối hợp với các địa phương đi thực tế để phát hiện những vấn đề các địa phương vướng mắc để triển khai nghiên cứu và kết nối chuyển giao
Khánh Ngọc