Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 đang gây nhiều tranh cãi, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng chương trình mới quá nặng khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới và chương trình từng môn học rất cụ thể, đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cũng như phẩm chất và năng lực kết tinh qua quá trình học. Nhà trường nói chung, giáo viên nói riêng, được quyền sắp xếp, xây dựng chương trình giáo dục của trường nhưng phải bám theo chuong trinh quy định của Bộ GD-ĐT.
Một học sinh lớp 1 tại TP.Biên Hòa trong giờ học
*Lo cho con khi vào chương trình mới
Chị Phạm Thị Khánh Hà có con mới vào học lớp 1 tại một trường tư thục tại P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết, mới bước vào đầu năm học nhưng con chị đã phải miệt mài luyện tập viết chữ cái, có khi mỗi tối viết cả mấy trang giấy. “Tối nào tôi cũng nhận được tin nhắn của cô giáo qua Zalo nhắc nhở việc phải hướng dẫn con luyện tập viết chữ cái. Nhiều hôm thấy con mệt, buồn ngủ mà bài tập viết cô giao về nhà chưa làm xong nên tôi cũng thấy lo”.
Khác với tâm lý hớn hở ngày đầu vào năm học mới, những ngày qua chị Trần Thị Phương Dung có con học tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) thấy con ốm hẳn đi, gương mặt cũng kém vui hơn sau mỗi buổi từ trường về nhà. Chị Dung cho hay, dù mới học lớp 1 nhưng con chị đang phải chịu khá nhiều áp lực vì chương trình đi nhanh quá mức so với khả năng nắm bắt của một đứa trẻ 6 tuổi. Mỗi buổi tối chị đều ngồi kèm cho con học bài tới 22 giờ. Chị Dung chia sẻ thêm: “Tối nào chuyện dạy học cho con tại nhà cũng như một cuộc “tập trận”. Đôi khi tôi muốn “buông” cho con học được đến đâu thì hay đến đó nhưng lại sợ con không theo kịp bạn trong lớp nên đành cố gắng vậy”.
Cùng nỗi niềm, anh Lê Văn Khương, có con học lớp 1 tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết: “Vợ chồng tôi cảm thấy lo vì cô giáo thường xuyên nhận xét trên vở tập viết, nhắn tin qua điện thoại nhắc nhở con nhiều hơn khen. Nào là con nét chữ còn nguệch ngoạc, cần luyện chữ nhiều hơn, đọc còn yếu…”. Vì sợ con sẽ bị “đuối” ngay khi mới vào lớp 1 nên ngoài việc thay nhau kèm con tại nhà, vợ chồng anh còn cho con đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau về độ “nặng, nhẹ” của chương trình lớp 1 nhưng theo lãnh đạo nhiều trường, muốn có một khởi đầu tốt với học sinh thì giáo viên lẫn phụ huynh phải rất bình tĩnh. Theo một số hiệu trưởng có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp và làm công tác quản lý, năm học 2020-2021 có nhiều điểm đặc biệt so với năm học trước. Thứ nhất, đây là năm đầu tiên áp dụng thay sách giáo khoa mới đối với lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ hai, trước khi bước vào lớp 1 trẻ có thời gian dài ở nhà nghỉ phòng dịch Covid-19 nên phần nào ảnh hưởng đến sự chuẩn bị cho năm học mới. Hơn nữa, có thể nhiều phụ huynh đã quen việc kèm con học ở nhà với sách giáo khoa cũ nên nay lại “bỡ ngỡ” với sách giáo khoa mới.
*Không tạo áp lực cho học sinh
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, việc áp dụng chương trình sách giáo khoa lớp 1 tại đơn vị mình khá thuận lợi, chưa có ý kiến của phụ huynh than phiền vì con phải học chương trình với kiến thức quá nặng.
Chia sẻ về phương pháp giúp học sinh tự tin, thoải mái với sách giáo khoa mới, đặc biệt là với môn Tiếng Việt, cô Nhã cho biết, Ban Giám hiệu và Hiệu phó chuyên môn mỗi tuần hội ý với giáo viên chủ nhiệm các lớp 1 từ 1-2 lần, giáo viên gặp khó khăn gì thì chia sẻ để tìm nguyên nhân và giải pháp. Chẳng hạn môn Tiếng Việt, học sinh luyện đọc luyện viết chậm, giáo viên phải quan tâm hướng dẫn tỉ mỉ, không nhất thiết phải “chạy” bài cho kịp với yêu cầu vì từ năm học này, theo quy định mới, giáo viên được tự chủ xây dựng kế hoạch học tập sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình của lớp. Khi học sinh có nền tảng ban đầu thì thời gian về sau, cả giáo viên và học sinh đều đỡ vất vả hơn.
Theo giáo viên lớp 1 của một trường tiểu học tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa), những năm học trước, trước khi vào lớp 1 không ít em đã biết đọc, biết viết, thậm chí có em đã biết làm phép tính cộng trừ đơn giản. Nhưng năm học này số trẻ vào lớp 1 biết đọc biết viết rất ít do nghỉ phòng dịch Covid-19 quá dài, trẻ không có điều kiện để tham gia các chương trình tiền lớp 1. Do đó, theo giáo viên này, nếu áp dụng phương pháp dạy nhanh như những năm học trước có thể cô sẽ vất vả, còn trò sẽ chán nản, dẫn đến sự “thất bại” của học sinh. Phụ huynh cũng cần phải bình tĩnh, không nên tạo quá nhiều áp lực cho các con khi thấy trong tháng đầu của năm học con chưa biết đọc, biết viết.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, khi học sinh bước vào lớp 1, giáo viên phải có phương pháp dạy thật khoa học, hiểu tâm lý học sinh. Ở độ tuổi này của học sinh, giáo viên phải vừa dạy vừa dỗ, không nóng vội chạy theo chương trình, không kết luận vội khả năng của học sinh. Dạy cho học sinh đến đâu phải chắc tới đó để học sinh còn có nền tảng tiếp thu các bài học tiếp theo, coi trọng chất lượng nhưng không tạo áp lực cho học sinh. Sở GD-ĐT sẽ sớm có đánh giá tổng thể để biết được những thuận lợi cũng như bất cập của chương trình lớp 1 năm học này, từ đó có điều chỉnh phù hợp đảm bảo chất lượng dạy và học.
Thọ Vực