Trong guồng quay hối hả, tất bật của cuộc sống thường ngày đôi lúc làm con người ta quên đi những phút giây thanh bình, đầm ấm bên bữa cơm gia đình. Những lo toan “cơm, áo, gạo, tiền” khiến thời gian dành cho gia đình ngày càng ít đi. Do đó, những giây phút gia đình quây quần bên nhau càng trở nên quý giá. Ðó cũng chính là lý do mà Ngày Gia đình Việt Nam năm nay tiếp tục được gắn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Từ những bữa cơm ấm áp
Cũng như bao gia đình khác, gia đình ông Vũ Văn Long và bà Trương Thị Thu Sinh (phường Bình Ða, TP. Biên Hòa) luôn coi bữa cơm cuối ngày là một nếp sinh hoạt tốt đẹp và được duy trì từ lâu. Cho dù cuộc sống có vất vả, bận rộn đến đâu, vợ chồng ông bà vẫn giữ thói quen cùng chia sẻ và thưởng thức “bữa cơm cuối ngày”, nơi sum họp đông đủ cả 4 thế hệ trong gia đình.
Bà Sinh kể, từ ngày về nhà chồng đến nay, bà đã có hơn 30 năm làm dâu. Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống thế nhưng bà vẫn luôn cố gắng để có bữa cơm tối ấm áp cùng gia đình.“Thường thì sau giờ làm buổi chiều, hai vợ chồng tôi cùng vào bếp nấu cơm. Sau đó, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện về công việc và học hành của con cái trong không gian ấm cúng. Tôi cảm thấy đó là niềm vui và hạnh phúc lớn lao không gì sánh bằng, dù cho bữa cơm ấy đơn giản hay cầu kỳ”, bà Sinh nói.
Ở tuổi 80, ông Vũ Văn Trọng (bố chồng bà Sinh) vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, ông thường xuyên răn dạy con cháu về lễ nghĩa trong gia đình và cách cư xử với họ hàng, với những người xung quanh. Ông Trọng cho biết, ngày nào gia đình ông cũng cố gắng duy trì ít nhất một bữa ăn có đầy đủ các thành viên. Với người già như ông, mỗi bữa cơm sum họp chiều tối là lúc ông như được trở về với quá khứ, hồi tưởng lại tuổi trẻ của mình: “Tuổi già, chẳng có gì đáng quý bằng được cùng con cháu ăn bữa cơm gia đình. Tôi thích nhất là bữa cơm cuối tuần, con cháu nhà tôi lại tập trung đông đủ. Những lúc như thế, con trai, con dâu thì vào bếp, còn tôi chỉ việc ngồi chơi với các cháu. Ðó là một nếp sống, một truyền thống gia đình mà tôi cùng con cháu gìn giữ suốt mấy chục năm qua”.
Bữa cơm gia đình chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên dành cho nhau. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do điều kiện và áp lực của công việc mà nhiều gia đình, nhất là ở thành thị không còn duy trì bữa cơm hằng ngày, hằng tuần. Phụ nữ ngày càng bận rộn hơn với công việc ngoài xã hội, buôn bán mưu sinh, do vậy dù có muốn lo toan cơm nước thì họ cũng “đành chịu”. Bà Nguyễn Thị Len (58 tuổi, huyện Long Thành) tâm sự, trước đây dù bận rộn đến mấy, gia đình bà vẫn cố gắng gặp nhau vào bữa ăn tối. Nhưng nay, một bữa ăn tối có đủ mặt cả nhà không còn là điều dễ dàng nữa, vì các cháu của bà đi học cả ngày, còn các con đi làm xa, phải cuối tuần hoặc cuối tháng mới về.
Chia sẻ về điều này, anh Phạm Hùng (con trai bà Len) cho biết, dẫu biết bữa cơm gia đình có ý nghĩa quan trọng, nhưng vì đặc thù công việc (công tác trong môi trường quân đội) nên anh đành phải chấp nhận. “Cả hai vợ chồng tôi đều là những người trẻ tuổi, chúng tôi quan tâm đến việc kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp, vun đắp cho cuộc sống gia đình đầy đủ nên chưa quá chú trọng đến bữa ăn. Chỉ khi tôi được nghỉ, cả gia đình mới có mặt đông đủ các thành viên. Tôi luôn trân quý những giây phút như thế”, anh Hùng bộc bạch.
Biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu
Sáng 27-6, tại Nhà hát Đài PT-TH Đồng Nai sẽ diễn ra hội nghị giao lưu, biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2018. Trong chương trình, Ban tổ chức sẽ tuyên dương 70 gương gia đình hạnh phúc tiêu biểu; các đại biểu cùng giao lưu, xem phóng sự về gia đình hạnh phúc tiêu biểu. Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai, Liên đoàn Lao động và Sở VH-TTDL tổ chức. Dự kiến tối 28-6, tại Nhà văn hóa phường Trung Dũng cũng sẽ diễn ra chương trình giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu TP. Biên Hòa năm 2018.
…đến những thông điệp yêu thương
Từ bữa cơm gia đình bà Sinh, bà Len và rất nhiều gia đình khác, có thể thấy bất cứ ai trong chúng ta cũng đều trân trọng bữa cơm gia đình. Bữa cơm là dịp thể hiện sự quan tâm, khéo léo của người phụ nữ dành cho các thành viên trong gia đình. Ðó là sự chăm lo cho sức khỏe, quan tâm đến sở thích của bố mẹ, chồng, con… để mỗi người đều có cái nhìn đầy yêu thương, sống có trách nhiệm với nhau.
Nhìn nhận vai trò của bữa cơm trong phòng, chống bạo lực gia đình (BLGÐ), ông Mai Văn Hùng, Chủ nhiệm câu lạc bộ phòng, chống BLGÐ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch bày tỏ: “Khi gia đình còn những bữa cơm sum vầy, yên ấm thì sẽ khó rạn nứt trong tình cảm, càng khó mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên, để duy trì bữa cơm cũng đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà, tham gia vào các khâu chuẩn bị bữa ăn. Ðây là cách hay để ngăn chặn những xung đột gia đình, thổi bùng “ngọn lửa” hạnh phúc - điều tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng mang lại ý nghĩa lớn lao”.
Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Hoàng Ngọc Ðiệp, người từng có nhiều năm làm công tác gia đình, trong xu thế hiện nay, có nhiều thách thức của một xã hội phát triển tác động đến các giá trị văn hóa gia đình. Vẫn còn rất nhiều vấn nạn gia đình nhức nhối đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ như: tình trạng đổ vỡ hôn nhân và ly hôn, BLGÐ ngày một tăng… Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực của mỗi cá nhân, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng chống BLGÐ. Ðặc biệt, cần tăng cường nêu lên tầm quan trọng, sự cần thiết của những bữa cơm gia đình. “Tôi cho rằng, không nhất thiết phải ngày 3 bữa như truyền thống, mà nên dành thời gian cho nhau vào bữa tối hay bữa cơm cuối tuần chẳng hạn. Gìn giữ bữa cơm gia đình cũng là một trong những cách để bảo tồn nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ vậy, cha mẹ có thể nắm bắt tâm lý con cái, tìm cách thức giáo dục con cái phù hợp. Ðó cũng là nền tảng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, bà Hoàng Ngọc Ðiệp chia sẻ.
Hội thi tiếng hát karaoke và cắm hoa huyện Tân Phú
Ngày 26-6, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Tân Phú tổ chức hội thi Tiếng hát karaoke và cắm hoa nhân Ngày gia đình Việt Nam. Có gần 36 gia đình được chọn từ 18 xã, thị trấn tham gia với đông đảo khán giả đến cổ vũ cho hội thi. Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải nhất thi tiếng hát karaoke cho gia đình ông Nguyễn Thế Hùng và bà Nguyễn Thị Thu Thảo thuộc đơn vị thị trấn Tân Phú; giải nhất thi cắm hoa cho đơn vị xã Phú Xuân.
Ly Na
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập